Đến với tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, độc giả luôn thấy xuất hiện bên cạnh hình tượng sông Đà, người lái đò là hình tượng “tôi” – tác giả. Anh (chị) có cảm nhận gì về hình tượng đặc biệt này?

Đến với tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, độc giả luôn thấy xuất hiện bên cạnh hình tượng sông Đà, người lái đò là hình tượng “tôi” – tác giả. Anh (chị) có cảm nhận gì về hình tượng đặc biệt này?

Hướng dẫn

– Người lái đò Sông Đà nằm trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960), là tác phẩm tiêu biểu nhiều mặt cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Với tác phẩm này, Nguyễn Tuân muốn thể hiện niềm say mê khám phá vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của non nước Đà giang cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của tâm hồn con người lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc. Cũng qua việc thuật kể sống động những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm, đã xúc động trong chuyến đi thực tế lên sông Đà, nhà văn đã tự hoạ chân dung mình như một con người ham đi để thay “thực đơn cho giác quan” và để tìm thấy niềm hạnh phúc trong việc hoà nhập cùng cuộc sống mới của đất nước.

– Trong bài tuỳ bút, hình tượng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với hình tượng sông Đà và hình tượng người lái đò. Không có tôi thì sẽ không có các hình tượng khác. Tôi là người quan sát, người kể chuyện, người phát biểu cảm xúc và suy nghĩ, người chủ động tạo ra các mối liên hệ giữa mọi sự vật được miêu tả. Sự thực, đặc tính của các hình tượng lớn trong bài mà người đọc nhận biết được chính là những đặc tính do riêng tôi phát hiện ra và muốn tô đậm. Yếu tố chủ quan của tôi đã nhào nặn lại những hiện tượng thuộc thế giới khách quan, sau đó cho chúng xuất hiện trong một hình thức phù hợp với quan điểm thẩm mĩ, quan niệm nghệ thuật của tôi.

– Dấu vết trực tiếp mà hình tượng tôi để lại trong văn bản là những từ tôi, được “xưng” trong các trường hợp như: “Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn…”, “Tôi xin ghi ở đoạn này…”, “Tôi nghĩ nếu sau này làm phim truyện hoặc phim kí sự…”, “Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần…”, “Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà…”, “Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen…”, “Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân”, “Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi…”, “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà”, “Thuyền tôi trôi qua một nương ngô…”, “Con hươu thơ ngộ… chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò…”… Qua những dẫn chứng nêu trên, có thể nhận thấy hình tượng tôi là một yếu tố cấu thành thiết yếu của văn bản bút kí. Tôi đóng dấu xác nhận tính “chân thực” (hiểu theo nghĩa quy ước) của tất cả những gì sẽ được miêu tả trong bài. Cũng qua đây, ta thấy rõ tôi là người đi, người quan sát và ghi chép say mê.

Xem thêm:  Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?

– Tuy nhiên, ngay cả trong những đoạn văn không có từ “tôi”, hình tượng tôi vẫn hiện lên hết sức rõ nét, qua cách quan sát, cảm thụ, bình luận về sự vật. Trước hết, độc giả thấy tôi là người rất nặng tình với sông Đà, xem sông Đà thực sự như một con người. Không phải ngẫu nhiên mà ông viết hoa hai chữ “Sông Đà”. Đây không thuần tuý là vấn đề sử dụng thủ pháp nhân hoá khi miêu tả. Nguyễn Tuân đã có kiểu ứng xử rất dân chủ với đối tượng, nâng đối tượng lên ngang tầm với mình để quan sát, tìm hiểu. Sự khái quát của tôi – Nguyễn Tuân – về hai đặc tính của sông Đà là “hung bạo và trữ tình” hoàn toàn giống như sự khái quát dành cho một con người. Phải như thế, ông mới có được niềm hứng thú vô tận khi nói về sông Đà với cảnh “đá bờ sông, dựng vách thành”, “chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu”; cảnh hút nước ghê rợn “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”; cảnh đá giữa lòng sông bày thạch trận “đòi ăn chết cái thuyền”; cảnh “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình”; cảnh sông Đà “mùa xuân dòng xanh ngọc bích”; cảnh “lặng tờ” tuyệt đối của sông Đà ở quãng trung lưu…

– Năng khiếu nổi bật hàng đầu ở mọi nhà văn là quan sát. Dĩ nhiên, tôi – Nguyễn Tuân – có thùa điều đó. Nhưng điều cần nói thêm là ông thường quan sát cảnh vật với một niềm thích thú tương tự niềm thích thú của trẻ thơ. Ông đã nhìn, ngắm nghía, liên tưởng như một phản xạ bản năng và liên tưởng nào cũng có vẻ vượt ra ngoài cái khung đạo mạo. Hãy đọc một đoạn văn trong bài kí: “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Một đoạn khác: “Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Đoạn khác nữa: “Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào”. Hoặc: “Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngót khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy”…

Xem thêm:  Hình tượng người lính trong thơ ca Việt Nam 1945 – 1975

– Khi kể về trận “thuỷ chiến” trên sông Đà, tôi – Nguyễn Tuân – đã bộc lộ niềm kính trọng rất mực đối với ông lái đò – một người lao động bình thường trên sông nước. Rõ ràng ở đây tôi đang đi tìm hình mẫu nhân vật mới cho các trang văn của mình. Với hình mẫu đó, tôi nhìn thấy cuộc đời thật đáng yêu, đáng sống làm sao. Theo tôi, dường như bất cứ ai làm chủ được công việc của mình, biết nâng những hành động bình thường đạt tới mức nghệ thuật thì người đó đáng được ngưỡng phục, ngợi ca. Trong bài tuỳ bút, hiển nhiên tôi thấy ông lái đò rất cần được tôn vinh, bởi ông “đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”. Người đọc có thể cảm nhận được rất rõ niềm hân hoan của tôi khi dõi theo những cử chỉ quyết đoán, khéo léo, chính xác của ông lái đò lúc ông điều khiển đò vượt qua trùng vi thạch trận: “Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”.

– Theo dòng văn Người lái đò Sông Đà, ta thấy tôi – Nguyễn Tuân – là người vô cùng tình cảm và thấu đáo nhân tình, là người luôn mơ mộng về một tương lai tươi sáng của đất nước. Tôi đã bộc lộ niềm xúc cảm chân thành trước cuộc “đấu tranh với thiên nhiên để giành sự sống từ tay nó về tay mình” của người lao động; đã ghìm lời để chiêm ngưởng vẻ đẹp tự nhiên, vẻ thanh thản của người lái đò khi ngừng chèo “nướng ống cơm lam” sau cuộc vật lộn với thác dữ; đã tràn ngập niềm tự hào về đất nước khi “ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la”, thấy “từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình”; đã dậy lên cảm giác “đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân’’ khi thấy sông Đà hiện ra sau chuyến “đi rừng dài ngày”; đã dịu lòng biết mấy khi chứng kiến “dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc”; đã khát khao “thèm đưọc giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu”…

Xem thêm:  Tác giả Trần Đình Hượu phân tích đặc điểm của vốn văn hoá dân tộc dựa trên những phương diện cụ thể nào của đời sống vật chất và tinh thần?

– Hình tượng tôi trong bài tuỳ bút thực chất cũng là hình tượng một nhà văn am hiểu rất rộng và tài hoa. Nhà văn đó mê cái đẹp tuyệt kì và cũng mê những sự độc đáo khác thường. Ta có cảm tưởng vốn quan sát của tôi giàu có vô biên, dùng bao nhiêu cũng không hết. Nếu không có được điều đó, cảnh thuỷ chiến trên sông Đà sẽ không được miêu tả chi tiết, sống động theo kiểu của phim 3D, 4D đến như vậy. Tất nhiên, tôi có hiểu biết lớn về nhiều lĩnh vực, từ hội hoạ, điêu khắc, điện ảnh đến võ thuật, quân sự… Những hiểu biết đó được điều động hết sức tự nhiên, thoải mái vào nhiệm vụ tạo hình các đối tượng và thuật kể. Đặc biệt nhất, tôi có cả một kho từ vựng phong phú, đủ để diễn đạt mọi sắc thái, cung bậc của sự vật. Tất nhiên, đây không phải là cái kho trời cho sẵn mà là kết quả của sự tích luỹ nhọc nhằn, của việc tuân thủ kỉ luật lao động chữ nghĩa rất nghiêm cẩn. Dường như không có câu văn nào được viết ra mà không in dấu một phong cách nghệ thuật độc đáo mang tên Nguyễn Tuân.

Nguồn Vietvanhoctro.com

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status