Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện và gặp gỡ với người lính lái xa trong Bài thơ Tiểu đội xe không kính – Ngữ Văn 9

Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện và gặp gỡ với người lính lái xa trong Bài thơ Tiểu đội xe không kính – Ngữ Văn 9

Hướng dẫn

Văn tự sự lớp 9

Đề bài

Hãy tưởng tượng mình găp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đôi xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.

1. Yêu cầu

– Kể chuyện sáng tạo trên cơ sở một tác phẩm văn học. Đó là nhân vật trữ tình trong một bài thơ.

– Cần bám sát nội dung Bài thơ về tiểu đội xe không kính để xây dựng một câu chuyện thích hợp.

– Bài viết cần vận dụng được các thao tác làm bài văn tự sự ; kể linh hoạt, bố cục hợp lí.

– Câu chuyện làm rõ chủ đề của bài thơ: ca ngợi những người chiến sĩ lái xe dũng cảm, lạc quan đã vượt qua gian khổ, khó khăn để thực hiện nguyện vọng của dân tộc – thống nhất đất nước.

2. Gợi ý

– Trước khi làm bài, các em cần đọc kĩ, hiểu bài thơ về chi tiết cũng như chủ đề.

– Để “nhân vật kể chuyện” gặp được nhân vật người lính lái xe cách đây đã hơn ba chục năm, cần tạo được một tình huống truyện hợp lí.

– Có thể dựa theo bài thơ mà tách thành những cảnh nhổ cho dễ kể và dễ thể hiện nhân vật. Ví dụ: cảnh xe trên đường ra trận với gian khổ, hiểm nguy ; cảnh những người lính lái xe gặp nhau, thành đoàn xe không kính ; cảnh gia đình lái xe quây quần nơi bãi nghỉ…

3. Lập dàn ý

a. Mở bài

Tình huống để các nhân vật gặp gỡ:

+ Hoặc đến thăm gia đình thương binh, thăm bảo tàng quân đội, thăm nghĩa trang liệt sĩ,… gặp được người chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn năm xưa.

+ Hoặc tưởng tượng đến Trường Sơn trong chiến tranh chống đế quốc Mĩ và gặp các chiến sĩ lái xe.

(Lưu ý: tình huống cần tự nhiên, có tác dụng làm rõ tính cách nhân vật người lái xe.)

b. Thân bài

– Người lính lái xe Trường Sơn kể chuyện.

– Nhân vật “tôi” giữ vai trò gợi chuyện, đánh giá làm rõ ý nghĩa câu chuyện.

Cần làm rõ những ý sau:

+ Những gian khổ mà người lính lái xe phải chịu đựng: sự khốc liệt của chiến tranh, kính xe vỡ, xe bị tàn phá nặng nề…

+ Những phẩm chất cao đẹp của người lính: dũng cảm, hiên ngang, lạc quan và có chút ngang tàng của nghề nghiệp, trẻ trung nhưng sống có lí tưởng, có trách nhiệm với Tổ quốc.

+ Sự khâm phục, yêu mến, kính trọng của nhân vật “tôi”.

c. Kết bài: Kết thúc cuộc nói chuyện:

– Chia tay người lính lái xe.

– Ấn tượng của nhân vật “tôi”.

– Suy nghĩ về người lính lái xe, về thế hệ cha anh.

4. Bài làm minh hoạ

Bài 1

Chiến tranh đã qua từ rất lâu rồi, và có lẽ những người trẻ tuổi như tôi không bao giờ hiểu được cái khó khăn, gian khổ của công việc cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước. Nhưng qua một lần nói chuyện, chỉ một lần gặp gỡ tình cờ đã cho tôi hiểu ra rất nhiều điều và thực sự cảm nhận được cuộc sống những ngày đạn bom gian khổ ấy,…

Những bánh xe đang lăn đều, lăn đều và chậm rãi khỏi nhà ga, chuyến tàu Bắc Nam bắt đầu cuộc hành trình của nó… Con tàu lao nhanh dần, lòng tôi bỗng thấy buồn lạ, cũng phải thôi, đây là lần đầu tiên tôi đi xa nhà như vậy, hơn nữa lại đi một mình. Trên một chuyên tàu toàn người xa lạ, con bé mười lăm tuổi như tôi bỗng thấy chạnh lòng, sống mũi cay cay, hai mắt đỏ dần, trong lòng rơn lên một nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ da diết. Người đàn ông ngồi bên cạnh, tôi mạn phép tôi gọi người ấy là “bác”, dường như đã cảm nhận được tôi đang nghĩ gì. Bác trạc ngoài sáu mươi, mái đầu bạc trắng, làn da đồi mồi, hơi rám nắng, dáng người to khoẻ. Nhìn những chiếc huân chương đeo trên ngực bác, tôi đoán, bác là một cựu chiến binh. Bác quay sang tôi bắt chuyện:

– Buồn hả cháu? Nhớ nhà phải không? Đợt mới nhập ngũ, bác đã từng có cảm giác như cháu bây giờ. Nhưng mau qua thôi, nó rèn luyện cho cháu tính tự lập, xa bố mà sống vẫn tốt.

Tôi nhìn bác cười rồi khe khẽ hỏi:

– Bác từng đi lính ạ?

Bác nhìn tôi rồi cười phá lên:

– Đúng rồi cháu ạ! Bác từng là một người lính đấy. Người lính lái những chiếc xe rất đặc biệt, những chiếc xe không kính cháu à. Ngày ấy Mĩ nó đánh ta ác liệt lắm, bác xung phong lên đường nhập ngũ. sẵn trong người tính thích mạo hiểm, lại biết lái xe, binh đoàn phân công bác vào tiểu đội 71A, lái những chiếc xe tải qua con đường Trường Sơn, chi viện súng, đạn, lương thực, dược phẩm cho đồng đội ở chiến trường miền Nam. Ngày ấy đường đi vất vả lắm cháu ạ, đâu có được đổ bê tông phẳng lì như bây giờ, lại còn đi đường rừng, tối om, không cẩn thận là lao xuống vực như chơi. Xe lại không có kính, bộ phận, tua vít nên lổng lẻo, tạo ra tiếng động rất ghê tai. Thế mà đi nhiều, nghe nhiều rồi cũng quen cháu ạ! Có những đêm lái xe qua rừng, chim thú các loại cứ bay ào ạt vào khoang lái, nguy hiểm lắm, nhưng cũng thấy thú vị. Hay rổi gió, bụi, mưa, lá cứ bay vào tới tấp, cay xè, trắng xoá mặt mày là chuyện bình thường…

Bác dừng lại uống ngụm nước… Ngay từ bé, đứa con gái như tôi đã rất thích những trò đánh trận, múa kiếm, bắn súng đủ các kiểu,… nhưng chưa hề được nghe tới bom đạn, hay những vất vả, cực nhọc mà mỗi người lính Trường Sơn phải trải qua, dù là trực tiếp chiến đấu hay là những chiến sĩ lái xe rất dũng cảm như bác. Tôi háo hức hỏi:

Xem thêm:  Cảm nhận về tình mẫu tử trong bài “Con cò” của Chế Lan Viên

– Vậy đi chiến trường như thế bác có thấy nhớ nhà nhiều lắm không ạ?

– Có chứ cháu, nhớ nhiều lắm, nhiều khi nhớ tới mất ăn mất ngủ. Lo lắng không biết mẹ mình giờ này làm gì, bom thả có mau chân mà chạy xuống hầm hay không? – Ánh mắt buồn của bác như rạo rực lên. – Nhưng mà cũng được các bác cùng đơn vị an ủi và giúp đỡ nhiều lắm cháu ạ. Mấy anh em tuy mới gặp nhau nhưng quý nhau và thương nhau lắm, coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà, có cái gì ngon hay mẩu thuốc lá là mấy anh em đều chia nhau hết, cực nhọc nhưng vui. Rồi những hôm lái xe, gặp anh em đồng đội trên đường đi, cứ thế mà mấy anh em tíu tít đứng bắt tay, ôm nhau rất tình cảm. Hình như có nhiều điểm chung là lòng yêu đất nước, căm thù bọn giặc và những đồng cảm về nỗi nhớ nhà, tâm sự và ước mơ, hoài vọng của tuổi trẻ nên các bác hiểu nhau và quý nhau lắm. Nhờ thế mà thêm tự tin, dũng cảm hơn trên con đường chiến đấu, nhất định phải thắng lợi để về với gia đình, anh em sẽ gặp lại nhau để cùng thực hiện những dự định trong tương lai…

Câu chuyện của bác còn dài, còn dài lắm nhưng mới chừng kia thôi đã đủ cho tôi cảm nhận về những người chiến sĩ, về những gì họ đã trải qua và về niềm tin, lòng lạc quan yêu đời của họ. Bánh tàu vẫn lăn, nhưng nó không gợi cho tôi cẫm giác buồn nữa, nó chỉ khẽ nhói lên trong người tôi một niềm vui khó tả, có lẽ là niềm vui được sống trong một thế giới hoà bình, niềm hạnh phúc về những gì mình đang có và tận hưởng…

Được gặp gỡ và trò chuyện với những người lái xe Trường Sơn năm xưa là may mắn của riêng tôi. Nó giúp tôi có thêm nghị lực và sức mạnh để hoàn thành những ước mơ của mình. Nó như một luồng sinh khí lan toả khắp người tôi, khiến tôi dũng cảm và có niềm tin hơn vào cuộc sống này. Và tôi hiểu ra một điều rằng: là người con của mảnh đất Việt phải chảy trong người dòng máu Việt. Bảo vệ, phát triển và xây dựng đất nước là nhiệm vụ tất yếu của tôi, cũng như của hàng vạn con người trẻ tuổi và cùng trang lứa khác…

(Nguyễn Huyền Trang, lớp 9M, Trường THCS Trưng Vương,

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

⇒ Nhận xét

Bạn đã tạo được một cái cớ tiếp cận người lái xe năm xưa khá hợp lí – hai bác cháu trên chuyến xe lửa. Người viết thành ra người hỏi chuyện, còn bác lái xe thành người kể. Nhũng nội dung của câu chuyện đã được phản ánh trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Tuy vậy, bạn đã có những tưởng tượng thêm vào để câu chuyện hấp dẫn. Chẳng hạn chi tiết người lái xe nhớ nhà, lo cho mẹ già không biết có kịp ra hầm trú ẩn. Và chi tiết xe không kính, những ốc xiết không chặt tạo ra tiếng động khó chịu. Song bạn viết như thế này thì các chú bộ đội lái xe sẽ cười cho đấy: Xe lại không có kính, bộ phận, tua vít nên lỏng lẻo, tạo rạ tiếng động rất ghê tai. Và cái chuyện chim thú các loại cứ bay ào ạt uào khoang lái nữa! Nhà thơ chỉ nói sao tròi và cánh chim thôi -Như sa như lùa uào buồng lái.

Bài 2

Trời hôm nay rét nhưng nắng ấm trải vàng trên đường phố, gió thổi nhẹ, lá rơi xào xạc. Lũ chúng tôi như chim sổ lồng, náo nức cùng Chi Đoàn trường đi thăm Viện bảo tàng Quân đội ở đường Điện Biên Phủ nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 – 12. Cứ tưởng chỉ là một phen được đi chơi vui vẻ, được thoát khỏi áp lực của mọi lời “giáo huấn” quen thuộc của bố mẹ, của những môn học, bài tập liên miên. Ai dè, đây lại là một buổi đi tham quan đầy ý nghĩa và cũng rất thú vị.

Bước vào bảo tàng là một khoảng sân rộng ngập tràn ánh sáng và khí trời. Trên thảm cỏ xanh và những lối nhỏ uốn lượn là xác máy bay của Mĩ bị bắn rơi trong cuộc xâm lược không phận đất nước đầy đau thương và căm phẫn chúng trước đây. Có những khẩu đại bác, những bệ pháo cao xạ của quân đội ta… Tất cả đã bị chiến tranh tàn phá, nắng mưa dội vào nên in dấu thời gian quá rõ nét.

Vào trong, bảo tàng có nhiều phòng, nhiều tầng, mỗi nơi là một chặng lịch sử của quân đội ta. Nơi thì khẩu súng kíp, súng trường tự tạo, nơi là cuộn dây, chiếc búa, lá cờ, cuốn sổ… bất cứ thứ gì cũng có dấu ấn của lịch sử, cũng gợi cảm xúc cho lũ trẻ chúng tôi vừa thương yêu, kính trọng chủ nhân của những hiện vật lưu trữ trên vừa thấy biết ơn sâu sắc những con người, những năm tháng của lịch sử hào hùng.

Xúc động hơn cả là khi chúng tôi đứng trước một chiếc xe ô tô vận tải. Biết được tên gọi của nó là qua cô hướng dẫn thuyết minh, còn nhìn nó thì như một khối sắt vụn, han gỉ, cũ nát. Nó như một sự cố gắng ghép lại để cho ra hình thù chiếc xe vậy. Lời giới thiệu đã cho ta biết được chiếc xe này đã từng chở khí giới, đạn dược, lương thực, quân trang, thuốc men tiếp tế cho chiến trường miền Nam trong suốt những năm chiến tranh chống Mĩ diễn ra ác liệt nhất. Cô hướng dẫn viên đã nói đó là những ngày tháng tuyến đường vận tải vào Nam không có giây phút nào ngớt bom đạn, pháo của kẻ thù. Không một cây số nào không bị bom địch dội xuống xé nát ra. Vậy mà cũng không có phút giây nào đoàn xe vận tải này dừng bánh. Máy bay đến, dội bom thì đoàn xe trú vào hang núi, rừng cây hoặc đứng im mà quanh xe cài kín lá ngụy trang. Máy bay đi, các anh chị thanh niên xung phong kịp thời san lấp, đánh dấu bom chưa nổ và chỉ đường cho đoàn xe tiếp bước. Có những hố bom không kịp san lấp, không đủ đất lấp, họ bắc những tấm ván xẻ cạnh miệng hố và xe cứ trườn chậm chạp hai bánh trên hai thanh gỗ đó, chỉ tích tắc sự mất tập trung, sự run sợ thì cả người chỉ đường bám vào cửa xe cầm đèn chỉ lối, người lái xe và xe đổ ụp. Họ không sợ chết mà chỉ sợ mất hàng hoá. Ai trong họ cũng hiểu rằng, hàng hoá là máu, tuyến xe lưu thông là mạch máu để nuôi chiến trường miền Nam. Nghe câu chuyện, chúng tôi lại nhớ đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật vừa được học.

Xem thêm:  Phân tích hình ảnh người mẹ Tà ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Đứng lặng cạnh tôi có bác bộ đội già, bộ quân phục đã bạc như màu tóc, sự chăm chú ngắm nhìn chiếc xe như nhìn vào quá khứ xa xăm của bác khiến tôi tò mò quan sát. Tôi có cảm giác như giữa bác và chiếc xe có mối liên hệ nào đó! Chợt nhận ra tôi, bác xúc động nói:

– Chiếc xe này là một “chiến hữu”, đến gần nó bác chẳng muốn rời, nó như thầm thì nhắc nhở bác về kỉ niệm xưa. Từ cái ngày bác cùng tiểu đội lính lái xe của mình trên đường ra trận…

Tôi vui sướng đến bất ngờ vì sự hi hữu mình có được, còn gì hơn khi tôi được đứng bên cạnh người lính lái xe năm Xitel, nhân vật trong Bài thơ tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Đó là một trong những người lái những chiếc xe độc nhất vô nhị trong chiến tranh ở Việt Nam cũng như lịch sử chiến tranh trên thế giới, những chiếc xe bị tàn phá đến nỗi “kính vỡ”, “không đèn”, “thùng xe xước”. Ai ngờ được những con người, những hiện vật trong văn học lại đang ở bên cạnh tôi, không giảm đi tí nào về sự chân thực của nó mà làm trái tim tôi đập nhanh hơn vì nỗi bồi hồi, xúc động sâu sắc.

Đây là một con người bằng xương bằng thịt của chiến tranh, của thi ca, đại diện cho hàng ngàn người lính khác mang âm vang khói lửa của chiến trường khốc liệt nhưng vẫn rất hồn nhiên, yêu đời. Giọng kể chuyện của người lính lái xe như lời thầm thì của năm tháng vọng lại:

– Lời thơ là sự thật nóng bỏng và vinh quang. Nhà thơ đã cùng đơn vị bác đi một chặng dài gian khổ, ác liệt, cận kề gang tấc với cái chết. Chẳng ai lại có thể nhận ra một nhà thơ nổi tiếng, một người lính can trường, một trái tim nhạy cảm và sẻ chia như thế trong hình ảnh của cậu tân binh mới nhập ngũ gầy gò, cao lêu đêu với chiếc ba lô toòng teng sau lưng đó. Khi biết bác là sinh viên đại học Bách khoa, “xếp bút nghiên” theo tiếng gọi của Tổ quốc, cậu lính trẻ mừng lắm, cứ quấn lấy bác và hỏi lấy hỏi để. Vui chuyện cứ trả lời thẳng tưng, chứ biết câu chuyện của mình vào thơ thì phải “uốn lưỡi” bảy lần như các cụ đã dặn chứ.

Quả thật, khi nhìn thấy những chiếc xe từ mới tinh đã bị tàn phá đến dị dạng như vậy, ai mà không ngán. Nhưng tốc độ của chiến trường, tiếng gọi hào sảng của chiến thắng chả cho ai kịp đợi sửa chữa hay đổi xe mới… Chiến trường cần tiếp tế, người lính mong muốn lập chiến công, mong muốn ngày chiến thắng mau tới… thì phải hối hả lên xe mà đi. Qua đồi cao, dốc đứng, rồi qua ngầm, qua vực càng dễ luồn lách, dễ tránh né, lại còn dễ nguỵ trang, dễ ẩn vào bờ bụi nữa.

Chỉ có ngồi trên chiếc xe như vậy, khi chiến trường rộn rã chiến công, khi cả nước náo nức lên đường, mới có niềm vui sướng, hả hê của người lính lái xe thời chiến. Không có kính, các bác “nhìn đất”, “nhìn trời” càng rõ, càng nhìn thấy con đường chạy thẳng tắp. Tuy bụi bặm bay mù trời nhưng nó lại đưa “cánh chim” kiếm tìm “sa vào” vào buồng lái bầu bạn, chào đón người chiến sĩ. Ban đêm “sao trời” cũng ùa vào bằng một tình yêu thương, chia sẻ. So với sự khó chịu, bẩn thỉu của bụi thì các bác “được” nhiều hơn đấy chứ! Có lẽ hiểu sâu sắc được điều đó nên câu thơ của cậu “lính thi sĩ” đó mới tự tin và ngang tàng như thế:

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng.

Nắng thì vậy, mưa thì cũng gian khổ lắm. Mưa tuôn xối xả, gió tạt nước mưa vào buồng lái, các bác phải vừa lái xe vừa vuốt mặt liên tục. Nước mưa tuy mát cho da thịt nhưng vào mắt thì cay xè, xót lắm. Lúc đó, cậu lính Duật cứ hỏi bác sao không đứng lại đợi tạnh, cậu ta có biết đâu đì tranh thủ lúc mưa là an toàn nhất, thẳng đường mà tiến, máy bay và bom Mĩ sợ mưa chứ xe này sợ gì. Bác gắt lên: “Không có kính càng tốt, chốc tạnh thì gió lùa vào sẽ làm chóng khô quần áo, đỡ phải giặt giũ, hong phơi”.

Nhất là lúc gặp đoàn xe đổ xong hàng quay ra vòng tiếp, không có kính chả phải dừng xe, mở cửa, cứ giơ tay qua cửa xe vỡ kính mà bắt tay nhau, chào nhau, hổi han, chúc nhau thật vui vẻ, náo nhiệt. Thú vị nhất, gương mặt mỗi người trở thành tấm gương để soi chung nhau. Bình thường, mỗi người một vẻ, qua chiến tranh các bác đều có chung một khuôn mặt: tóc tai, mặt mũi bụi phủ trắng như mặt nạ ông địa… nhìn nhau mà người này cứ tưởng người kia biến dạng như thế và khi hiểu ra được… một trận cười sảng khoái vỡ ra vang dội cả con đường, làm chim rừng giật mình gọi nhau, bay từng đàn chạy trốn. Bom đạn nhiều khiến chúng chẳng phân biệt được âm thanh rộn rã của niềm vui với tiếng rền của sự chết chóc, tàn phá.

Xem thêm:  Phân tích tình đồng chí qua bài thơ Đồng chí của Chính Hữu (Văn học 9 – Tập II).

Hình ảnh “bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời” trong thơ của Phạm Tiến Duật là hình ảnh có thực và gợi nhớ vô cùng. Đến địa điểm tập kết, cả tiểu đội lại hợp sức đào bếp để nấu nựớng. Loại bếp này, bè bạn năm châu phục lắm. Nấu mà không lộ ánh lửa, khói lại chia nhỏ, tản ra địch không phát hiện được. Gạo mang theo, rau vào rừng hái, múc nước suối, bẻ cành khô… bữa cơrn kham khổ nhưng ngon lành và vui vô vùng. Thời chiến có gian khổ nhưng lại có niềm hạnh phúc mà thời bình khó tìm lại được, cả tiểu đội quây quần xì xụp trong cơn đói ngấu của sức trẻ… như một gia đình nhỏ, cái gia đình ấy bây giờ già nửa là nằm lại nơi chiến trường, còn lại vài ba người như bác, đều thương tật cả. Hai người bạn của bác đang được nhà nước nuôi tại Trại thương binh Thuận Thành (Hà Bắc) còn bác đang phải “chung sống hoà bình” với ba mảnh đạn nằm ở những nơi hóc hiểm trong cơ thể mình, không thể phẫu thuật được. Những lúc trở trời, vết đau réo gọi, quặn thắt, chẳng lúc nào nhớ tới những kỉ niệm năm xưa bằng khi ấy. Nói như cậu “thi sĩ” khoác áo “chiến sĩ” về nỗi nhớ đó là:

Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

Bác nói bác vẫn đang còn giữ một kỉ vật nhỏ do người đồng đội gửi bác lúc nhắm mắt. Một chiếc hộp bút tự tạo từ mảnh máy bay địch cháy rơi ở trong rừng. Không kịp dặn nốt địa chỉ của đứa con chưa có khai sinh ở một ngôi làng nào đó trên đường ra trận… Bác vẫn không bỏ qua một dịp nào, một cơ hội nào để tìm cho ra. Bác bảo, để khi gặp lại đồng đội không thấy hổ thẹn.

Bác nghẹn ngào nói với tôi: “Vinh quang và thắng lợi nào mà không trải qua mất mát đau thương.. Mồ hôi, máu thịt của những người năm xưa đã đơm hoa kết trái nên độc lập tự do hôm nay. Bác đã may mắn được quay trở lại mái trường xưa rồi trở thành kĩ sư của một nhà máy quân đội lớn. Bác luôn tâm niệm phải sống và làm việc bù cho cả những người không trở về nữa nhưng cũng chẳng còn nhiều thời gian, chỉ mong các cháu được nhà trường dạy dỗ, đào tạo sao cho tiếp bước cha anh. Quyền lợi của cuộc sống hạnh phúc hôm nay sỗ đặt trên vai các cháu trách nhiệm lớn lao với dân tộc, với lịch sử, với những người không tiếc máu xương năm xưa…”.

Bác đặt nhẹ tay lên vai tôi như tin tưởng gửi gắm. Tôi thật sự xúc động và tự hào về lịch sử dân tộc, về thế hệ cha anh xưa kia. Bỗng như thấy mình lớn hơn lên, tôi gật đầu và mỉm cười chào bác.

Cùng các bạn trên đường về, lòng tôi thấy sung sướng vì hành trang của một buổi dã ngoại tôi đem về thật đáng quý biết bao, nó giúp tôi tự tin vào mình, hiểu rõ vai trò của việc phấn đấu rèn luyện ngày hôm nay. Tôi thấy mình trưởng thành lên nhiều quá. Biết là nhiệm vụ trước mắt còn nhiều gian nan nhưng tôi vững tin vì người “chiến sĩ – thi sĩ” năm xưa đã khẳng định:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Nắng vàng và gió mát chia sẻ tâm tình cùng lũ học trò chúng tôi.

(Phạm Quỳnh Trang, lớp 9A4, Trường THCS Ngô Sĩ.Liên,

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

⇒ Nhận xét

Một câu chuyện sinh động và lí thú. Có cả kết hợp kể chuyện với miêu tả và bộc lộ cảm xúc nũầ. Lí do gặp người lái xe khá tự nhiên. Bác lái xe cũng là người hay chuyện và xởi lởi, gặp cháu là vui vẻ kể chuyện liền. Bạn đã khéo léo để cho câu chuyện “hồi ức” của bác lái xe diễn ra cạnh chiếc xe không kính trong bảo tàng. Như là một sự tiếp nối vào câu chuyện của cô hướng dẫn viên. Và nhà thơ Phạm Tiến Duật dưới con mắt của bác tài là một cậu tân binh mới nhập ngũ gầy gò, cao lêu đêu với chiếc ba lô toòng teng sau lưng. Kể cũng lí thú đấy chứ? Nhưng hình như bạn quên mất rằng Phạm Tiến Duật nhập ngũ năm 1964, cho đến khi bài thơ ra đời năm 1969 thì nhà thơ đã có 5 năm tuổi quân rồi đấy. Nhưng không sao, dưới con mắt của một cựu binh đang học Đại học Bách khoa đi lính thì nhà thơ trẻ được gọi là “cậu thi sĩ” cũng là hợp lẽ tự nhiên.

Nhìn chung, câu chuyện được kể có lớp lang và khá thú vị.

Nguồn Vietvanhoctro.com

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status