Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Một trường tiểu học vùng cao – Tiếng Việt 3

Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Một trường tiểu học vùng cao – Tiếng Việt 3

Hướng dẫn

Một trường tiểu học vùng cao

Nghe nói ở xã Sủng Thài có trường nội trú, chúng tôi lặn lội lên thăm.

Hội đồng giáo viên đang họp nên em Sùng Tờ Dìn, liên đội trưởng, dẫn chúng tôi đi thăm trường. Trường có đủ phòng học cho năm lớp, có bếp, phòng ăn và nhà ở. Các thầy cô ăn ở cùng học sinh.

Vừa đi, Dìn vừa kể: “Cứ sáng thứ hai, chúng em đến trường cùng với gạo ăn một tuần, chiều thứ bảy lại về. Nhà ai nghèo thì uỷ ban xã giúp gạo.”

Tôi hỏi:

– Hằng ngày, các em làm việc gì?

– Buổi sáng, chúng em học trên lớp, buổi chiều làm bài. Ngoài giờ học, chúng em hát múa, chơi thể thao hoặc trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn.

– Đi học cả tuần, Dìn có nhớ nhà không?

– Lúc đầu, chúng em cũng nhớ, nhưng ở trường rất vui. Về nhà, ai cũng mong sớm đến sáng thứ hai để lại được gặp nhau.

Trúc Mai

Cách đọc

Đọc phân biệt lời kể của vị khách với lời của Dìn. Các câu hỏi của vị khách: đọc thể hiện được sự chân tình, thân ái. Câu trả lời của Dìn: thật thà, mạnh dạn, tự tin.

Gợi ý cảm thụ

Bài văn đưa chúng ta đến với một trường tiểu học ở vùng cao: Trường Tiểu học nội trú ở xã Sủng Thài, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Các em đã biết rằng ở miền núi, các làng bản nằm rải rác rất xa nhau. Học sinh tiểu học còn nhỏ, không thể lội suối trèo đèo đi, về hằng ngày được. Vì vậy, ở đây, xã Sủng Thài có sáng kiến tổ chức cho học sinh ở nội trú suốt tuần. Thế là một trường tiểu học dân tộc nội trú cấp xã được ra đời.

Bài văn mới chỉ là những nét phác hoạ về ngôi trường nội trú này, nhưng ta cũng có thể hình dung được về ngôi trường đồng thời là tổ ấm gần gũi, thân thương của các bạn học sinh tiểu học nơi đây. Này nhé, trường chỉ có năm lớp, lại chủ yếu là lớp ghép (học sinh lớp 1, lớp 2 hoặc lớp 2, lớp 3 học cùng trong một lớp). Rồi trường học mà cứ như gia đình vậy, có cả bếp, phòng ăn, nhà ở. Cảm động nhất là chi tiết “các thầy cô ăn ở cùng học sinh”. Bởi vì bình thường, đời sống của giáo viên vùng cao rất khó khăn, nhưng đời sống, sinh hoạt của đa số các gia đình học sinh vùng cao còn khó khăn hơn. Các thầy cô “ăn ở cùng học sinh” nghĩa là các thầy cô chia sẻ những khó khăn với học sinh của mình. Bữa ăn của thầy trò có thể còn đạm bạc, nơi ăn chốn ở có thể còn thiếu thốn nhưng vẫn ấm áp tình người. Thầy trò cùng chia ngọt sẻ bùi, lá lành đùm lá rách,… Bên cạnh đó, qua lời kể của bạn liên đội trưởng Sùng Tờ Dìn, ta còn biết: “Cứ sáng thứ hai, chúng em đến trường cùng với gạo ăn một tuần, chiều thứ bảy lại về. Nhà ai nghèo thì Uỷ ban xã giúp gạo”. Như vậy, bên cạnh sự tận tâm, chia sẻ của các thầy cô, địa phương nơi đây cũng quan tâm giúp đỡ một cách mộc mạc và thiết thực, giúp cho nhiều học sinh nghèo được đến trường, về tình hình sinh hoạt và học tập của các bạn học sinh vùng cao ở trường nội trú này, bạn Dìn cho biết: “Buổi sáng, chúng em học trên lớp, buổi chiều làm bài. Ngoài giờ học, chúng em hát múa, chơi thể thao hoặc trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn”. Ở nơi vùng cao heo hút này, rõ ràng đây là một tổ ấm thân thương, một đại gia đình. Công việc học tập và các sinh hoạt tập thể đã gắn kết các bạn học sinh với nhau, như một sợi dây tình cảm chắp nối thầy trò, bạn bè với nhau. Chả thế mà, qua lời của bạn Dìn: “Về nhà, ai cũng mong sớm đến sáng thứ hai để lại được gặp nhau”, ta thấy ngôi trường tiểu học nội trú thân thương này là gia đình thứ hai của các bạn. “Một ngôi trường tiểu học vùng cao” được nói tới trong bài văn đã mở ra cho các em nhiều hiểu biết thú vị và cảm động.

Xem thêm:  Phân tích giá trị nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Mao Ốc vị thu phong sở phá ca) của Đỗ Phủ

XEM THÊM BÀI NHỚ VIỆT BẮC TẠI ĐÂY

Tags:Văn 3

Nguồn Vietvanhoctro.com

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status