Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Ngày khai trường – Tiếng việt 3.

Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Ngày khai trường – Tiếng việt 3.

Hướng dẫn

Ngày khai trường

Sáng đầu thu trong xanh

Em mặc quần áo mới

Đi đón ngày khai trường

Vui như là đi hội

Gặp bạn, cười hớn hở

Đứa tay bắt mặt mừng

Đứa ôm vai bá cổ

Cặp sách đùa trên lưng.

Nhìn các thầy, các cô

Ai cũng như trẻ lại

Sân trường vàng nắng mới

Lá cờ bay như reo.

Từng nhóm đứng đo nhau

Thấy bạn nào cũng lớn

Năm xưa bé tí teo,

Giờ lớp ba, lớp bốn.

Tiếng trống trường gióng giả

Năm học mới đến rồi

Chúng em đi vào lớp

Khăn quàng bay đỏ tươi.

(Theo Nguyễn Bùi Vợi)

Cách đọc

Đọc bài thơ với giọng trìu mến, thiết tha, phấn khởi, vui tươi, rộn rã, thể hiện được không khí náo nức, tưng bừng của ngày khai trường. Chú ý ngắt nhịp giữa các dòng thơ ; nghỉ hơi đúng sau mỗi dòng thơ và giữa các khổ thơ.

Gợi ý cảm thụ

Bài thơ Ngày khai trường không miêu tả mùa thu mà tả không khí náo nức của ngày khai trường khi mùa thu đến. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã say sưa nói về niềm vui của các cô cậu học trò nhỏ.

Bài thơ có năm khổ, mỗi khổ thơ là một niềm vui. Những câu thơ năm chữ với tiết tấu nhanh, giọng điệu tươi vui, rộn ràng. Mở đầu bài thơ là sắc trời đặc trưng của mùa thu: “Sáng đầu thu trong xanh”. Nhớ sao những sớm mùa thu trời xanh trong cao vời vợi, sắc trời sắc nắng hoà vào nhau làm tâm hồn chúng ta thấy thật thư thái, dễ chịu. Với các em thiếu niên nhi đồng, buổi sáng mùa thu đáng nhớ nhất là buổi sáng ngày khai trường. Sau ba tháng hè, các em lại được đến trường, được lên thêm một lớp, được gặp lại thầy cô, bè bạn. Và bắt đầu cho một ngày mới, một năm học mới, các em rộn ràng, xúng xính trong những bộ quần áo mới “Đi đón ngày khai trường”. Niềm vui đến trường của các em được nhà thơ miêu tả qua hình ảnh so sánh quen thuộc “Vui như là đi hội”. Ngày khai trường chỉ có niềm vui, niềm vui của sự hội ngộ, sum vầy, niềm vui của tình thầy trò, bè bạn. Không khí hồ hởi, phấn khởi, đông vui, náo nức không khác gì không khí của một ngày hội.

Năm khổ thơ khắc hoạ lại những khuôn mặt rạng rỡ, bóng hình thân quen, tiếng nói, tiếng cười rộn rã, những cử chỉ thân mật,… Mọi thứ đều tưng bừng, náo nức. Từ các em học sinh tíu tít: cười hớn hở, tay bắt mặt mừng, ôm vai bá cổ ; thầy cô như trẻ lại; đến những màu sắc, những sự vật sống động, tươi vui: “Sân trường vàng nắng mới – Lá cờ bay như reo”, “Khăn quàng bay đỏ tươi”. Và tất nhiên, không thể thiếu âm thanh của tiếng trống trường vẫy gọi, thúc giục em vào lớp, tiếng trống trường nói với em năm học mới đã đến, em hãy học hành chăm ngoan…

Năm khổ thơ đầy ắp sắc màu tươi tắn (màu xanh của trời, màu vàng của nắng, màu đỏ thắm của cờ, khăn quàng đỏ) ; đầy ắp âm thanh tươi vui, tiếng nói, tiếng cười, tiếng trống trường ; đầy ắp những khuôn mặt, dáng hình của thầy cô, học sinh. Có thể nói, bài thơ đã đem đến cho chúng ta niềm vui sướng, phấn khởi, không khí náo nức của buổi tựu trường. Tác giả đã sử dụng nhiều động từ miêu tả hoạt động, trạng thái, các tính từ, các từ láy tượng hình, tượng thanh. Chúng ta không có cảm giác bề bộn mà chỉ thấy niềm vui đến say sưa, ngây ngất. Đọc bài thơ, trẻ thơ muốn được đến trường đi học, người lớn muốn trẻ lại, muốn trở lại tuổi thơ trong sáng. Nhà thơ Giang Nam trong bài thơ Quê hương từng viết:

Xem thêm:  Một thứ quà của lúa non: Cốm

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

Tuổi thơ của mỗi con người không thể thiếu niềm vui đến lớp, niềm vui của ngày khai trường, niềm vui khi lật giở những trang vở mới, trang sách mới thơm tho, tinh khiết. Đọc thơ để thấy yêu thêm cuộc sống, yêu thêm con người, có lẽ đó là ý nghĩa muôn thuở của thi ca!

XEM THÊM BÀI 15: BÀI TẬP LÀM VĂN – TẠI ĐÂY

Tags:Văn 3

Nguồn Vietvanhoctro.com

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status