Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

Đề bài: Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

Bài làm

Mùa thu là mùa của lá vàng rơi, là mùa dễ khiến con người ta xao động. Nhất là đối với tâm hồn tinh tế và nhạy cảm như nhà thơ Nguyễn Khuyến, mùa thu lại càng trở nên xuyến xao hơn. Ông từng viết cả chùm thơ về mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh. Mỗi bài đều mang những tâm tư, tình cảm rất riêng của thi nhân. Trong đó, Thu điếu thể hiện tình yêu chân thành và đơn sơ, giản dị của tác giả qua vẻ đẹp mùa thu ở làng quê Việt Nam.

Nguyễn Khuyến đã thả hồn mình vào thiên nhiên, vào cảnh thu:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Có thể thấy cảnh sắc mùa thu ở đây rất êm đềm, nhẹ nhàng và tĩnh lặng. Mọi thứ đều đang nằm trong tầm ngắm của nhà thơ. Vì thế, mỗi câu thơ đều ôm trọn cảnh thu. Nhưng tiếc rằng mùa thu không rực rỡ, không sôi động như mùa hè, cũng không mơn mởn những chồi non như mùa xuân. Mùa thu lạnh lẽonước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sóng cũng chỉ lặng thầm theo làn hơi gợn tí. Tất cả đều rất uyển chuyển nhưng lại gợi nỗi buồn xa xăm. Phải chăng trong cảnh thu ấy còn chất chứa nỗi niềm của thi nhân? Nguyễn Khuyến là người có tài năng, có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dần, từng bày tỏ thái độ kiên quyết không hợp tác với chính quyền thực dân. Thơ ông phản ánh cuộc sống của những con người khổ cực, thuần hậu, chất phác; châm biếm, đả kích thực dân xâm lược, tầng lớp thống trị, đồng thời bộc lộ tấm lòng ưu ái đối với dân, với nước. Bởi thế, mùa thu trong Thu điếu chính là những nỗi niềm riêng tư của nhà thơ đối với tình cảnh xã hội đương thời. Ông không chọn mùa xuân với những hoa mai hoa đào rực rỡ cho vần thơ thêm nhạc điệu, thêm vui tươi. Ông cũng không chọn cái nắng hè chói chang gay gắt trên những chùm hoa gạo của mùa hạ để đưa vào thi ca. Ông hòa mình vào ao thu, vào những chiếc Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.Lá vàng là hình ảnh úa tàn và đặc trưng của mùa thu. Lá vàng cũng thường gợi đến một khung cảnh buồn bã, có chút tiếc nuối bâng khuâng.

Xem thêm:  Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ : Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy”

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Lại thêm một màu xanh nữa ngập tràn trong trang thơ của thi nhân. Trời mây xanh ngắt với những tầng mây lửng lơ trôi mang theo những nỗi niềm khó nói thành lời của lòng người đang băn khoăn nghĩ suy về thời thế. Ông ngước lên cao, rồi lại cúi xuống nhìn Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Mùa thu vắng lặng, thôn quê lại càng vắng lặng hơn. Đã thế, cách gieo vần “eo” của tác giả lại càng làm cho không gian dần thu hẹp lại.

Trong khung cảnh ấy, thi nhân đóng vai là một lão nông đang tựa gối buông cần nhưng lâu chẳng được. Và ông nhận ra rằng Cá đâu đớp động dưới chân bèo. Âm thanh duy nhất trong toàn bộ bải thơ vang lên, tưởng chừng như âm thanh ấy sẽ phá vỡ sự im lặng của không gian, nhưng chính nó lại nhấn mạnh thêm sự im lìm của cảnh vật. Tác giả lấy tĩnh tả động và ông đã thành công khi rót sự im lặng vào lòng người bằng một âm thanh rất nhỏ.

Nhưng ý nghĩa sâu xa đằng sau tiếng cá đớp động dưới chân bèo là những tâm sự thầm kín của nhà thơ. Ông đã dành cả đời mình cống hiến cho triều đình, cho đất nước, cả đời đi theo tiếng gọi của chân lý, chưa một lần làm điều mờ ám hay bị dính án quan liêu. Bởi thế, tâm hồn Nguyễn Khuyến cũng trong veo như nước trong ao thu, và cũng tĩnh lặng như mọi cảnh vật thiên nhiên ông đang ngắm nhìn.

Xem thêm:  Nêu hoàn cảnh ra đời,mục đích, ý nghĩa, giá trị tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

Tác giả câu cá nhưng thực chất tâm trí lại không hề để ý tới cần câu, đó chỉ là cái cớ để ông nghĩ suy tới thời thế và đất nước. Trong lúc triều đình còn nhiều tham quan, ông không thể nào một mình đứng ra để loại trừ được hết những vấn nạn đó được. Vì thế, mùa thu của Nguyễn Khuyến đã diễn ra theo chiều sâu tâm lý phảng phất buồn, theo những nỗi niềm lo âu thầm kín. Điều đó đã thể hiện tấm lòng yêu nước sâu sắc của thi nhân. Ông muốn cống hiến hết mình cho nhân dân, cho đất nước.

Toàn bộ bài thơ miêu tả cảnh thu nhưng những từ ngữ, những hình ảnh trong đó lại ẩn chứa tâm tình của tác giả. Ông lấy tĩnh tả động, lấy cảnh tả tình. Dù không một lời trực tiếp nói lên nỗi lòng mình nhưng người đọc vẫn thấu hiểu tình cảm của thi nhân. Bài thơ đã mang đến cho nền văn học nước nhà một mùa thu rất mới, mua thu theo cách riêng của Nguyễn Khuyến.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Tiếng Mẹ Đẻ – Nguồn Giải Phóng Các Dân Tộc Bị Áp Bức
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status