Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Phân tích bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu.

Bài làm

Phan Bội Châu có tên thật là Phan Văn San, có hiệu là Sào Nam. Ông là người làng Đan Nhiệm, và nay là xã Nam Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Có thể nói rằng Phan Bội Châu là người khơi dòng chảy cho loại văn chương trữ tình – chính trị. Thơ ông luôn luôn thể hiện một bầu nhiệt huyết luôn sục sôi của một người mà lí tưởng duy nhất là giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Vào năm 1904, Phan Bội Châu đã cùng các đồng chí của mình lập ra Duy Tân hội. Sau đó một năm vào năm 1905, hội chủ trương phong trào Đông Du, đưa thanh niên ưu tú nhất sang Nhật Bản học tập để chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho cách mạng nước ta đồng thời cũng tranh thủ sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài. Trước lúc lên đường thì Phan Bội Châu làm bài thơ Xuất dương lưu biệt để từ giã bạn bè, đồng chí.

Với một giọng thơ đầy sôi nổi, đầy hào khí, Lưu biệt khi xuất dương thể hiện được tinh thần chung của thời đại, đã thổi vào không khí cách mạng đầu thế kỉ XX một luồng sinh khí mới. Điều này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam ở thời điểm cam go nhất.

Làm trai thì phải lạ ở trên đời,

Há để càn khôn tự chuyển dời.

Hai câu thơ trên như đã thể hiện một lí tưởng đẹp của con người, đặc biệt là một trang nam nhi. Con người phải làm chủ bước đi của lịch sử, phải tích cực tham gia vào sự vận động của thế sự. Mở rộng ra nghĩa là con người phải chủ động trước hoàn cảnh. “Làm trai” là khẳng định chí khí của thanh niên nói chung, chứ thực ra, Phan Bội Châu không phải là người có tư tưởng bảo thủ “trọng nam khinh nữ”. Có thể nói rằng chân dung nhân vật trữ tình trong bài Lưu biệt khi xuất dương hiện lên khá rõ qua hai câu đề. Nhân vật trữ tình còn là một con người mang tầm vóc vũ trụ, tự ý thức rằng mình phải có trách nhiệm gánh vác những trọng trách lớn lao. Con người ấy đã dám đối mặt với cả càn khôn, đối mặt với cả vũ trụ để tự khẳng định mình, tạo nên tâm thế để tiếp tục khẳng định:

Xem thêm:  Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở, há không ai?

Một lời khẳng định dứt khoát, đầy khí phách về sức mạnh của con người trước càn khôn. ý thức về cái Tôi đã được tác giả tận dụng triệt để bằng cách tạo nên thế đứng đặc biệt: sự ngang hàng giữa “tớ” và “khoảng trăm năm”. Đây không phải là sự đề cao cái Tôi một cách bi quan hay cực đoan như ở một số nhà thơ mới sau này mà là sự khẳng định trách nhiệm của mỗi người, nhất là thanh niên, một trang nam nhi đối với vận mệnh dân tộc. Câu thơ như cũng là lời giục giã đanh thép, đánh thức tinh thần đấu tranh của con người. Là một lãnh tụ cách mạng đầy tâm huyết,có thể nói Phan Bội Châu là người luôn có ý thức kêu gọi mọi người cùng góp sức tranh đấu. Sau khi khẳng định chí nam nhi, nhà thơ lại nói đến trách nhiệm đối với dân tộc của mỗi người. Tấm lòng và nhân cách cao đẹp của một nhà nho, một con người chân chính đã thể hiện ở đây:

Non sông đã chết sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài

Hai câu luận vẫn tiếp tục được viết dưới hình thức đối ngẫu quen thuộc của thơ cổ điển, nó vừa khẳng định khí tiết vừa là quyết tâm của người chiến sĩ. Vào thời buổi đó của đất nước, ra đi tìm đường cứu nước là lí tưởng đúng đắn. Lúc này, khi dân tộc đã mất tự do, chủ quyền đất nước bị xâm hại, thì việc đầu tiên, cần thiết nhất không phải ngồi đó để học văn chương nữa. Câu thơ không có ý chê bai hay bài xích chuyện học đạo thánh hiền mà có ý khuyên con người ta phải nhận định đúng thời cuộc. Nước mất thì nhà tan, thân nô lệ làm sao mà thực hiện được đạo thánh hiền. Câu thơ còn thể hiện nỗi xót xa của nhà thơ. Trên thực tế, khi thực dân Pháp vào xâm lược đất nước ta, văn hoá phương Tây đã tràn vào Việt Nam, mang theo nhiều điều mới mẻ nhưng cũng không ít rác rưởi. Nó đã gây nên sự xáo trộn ghê gớm trong nền đạo đức, luân lí xã hội và trở thành nỗi đau đời của các nhà nho vốn coi trọng “tam cương ngũ thường”. Trước tình hình đó, bài thơ Lưu biệt khi xuất dương có ý nghĩa như một hồi chuông thức tỉnh lòng yêu nước, động viên mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Xem thêm:  Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 11 về sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ

Ta thật dễ nhận thấy trong hai câu luận của bài thơ, Phan Bội Châu đặt chí làm trai vào hoàn cảnh thực tế của lịch sử đương thời:

Muốn vượt bể đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Khí thế ra đi thật hùng dũng và đầy quyết tâm, tràn trề sức mạnh. Câu thơ cuối cùng của bài như đã khẳng định bầu nhiệt huyết đang sục sôi của người ra đi. Hướng về phía đông (cụ thể là nước Nhật), người ra đi với một quyết tâm rất cao. Chắc chắn rằng bản dịch chưa thể hiện hết được tinh thần của nguyên tác ở ba chữ nhất tề phi. Những cái mạnh mẽ và hùng dũng, đầy nhiệt huyết và cũng tràn đầy hi vọng thể hiện ở câu thơ cuối cùng này. Và dường như hình ảnh kết thúc bài thơ hào hùng, lãng mạn, thể hiện được tư thế ra đi đầy khí phách của con người trong thời đại mới. Người ra đi đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu hi vọng vào con đường mình đã chọn.

Thật khéo léo khi vẫn nói việc tiếp tục thể hiện chí làm trai của văn học truyền thống nhưng Phan Bội Châu đã mang đến cho chí khí ấy một sắc màu, một khí thế mới, hiện đại hơn. Bài thơ không chỉ có ý nghĩa động viên khích lệ thế hệ thanh niên lúc đó mà còn thể hiện một lẽ sống đẹp, là bài học làm người cho thanh niên – tầng lớp hùng hậu và mạnh mẽ nhất – mọi thời đại. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là hình tượng đẹp về một nhà nho tiến bộ đầu thế kỉ XX với lí tưởng cứu nước, khát vọng sống, chiến đấu vì dân tộc.

Xem thêm:  Tả anh trai của em – Tập làm văn lớp 5

Có thể nói những lời tạm biệt đầy nhiệt huyết, tâm thế ra đi đầy hào hứng và hiên ngang, bài thơ là khúc tráng ca của một thời đại đau thương nhưng đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Và là tấm gương sáng ngời muôn thủa để người đời sau soi mình.

Bài thơ dường như chính là một lời mời gọi lên đường, gửi gắm một khát vọng hoài bão thật mãnh liệt, khẳng định tình yêu đất nước tha thiết và thôi thúc tinh thần chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc của tác giả. Giọng điệu bài thơ như trở nên tâm huyết sâu lắng mà sôi sục, hào hùng, cùng với bút pháp khoa trương thể hiện niềm lạc quan, nhiệt tình hành động cùng những tư tưởng cách mạng của tác giả. Hình ảnh thơ trong bài thật kỳ vĩ, lớn lao kết hợp với những từ láy gây ấn tượng mạnh đã làm nổi bật được chí vá trời, lấp biển của nhà thơ Phan Bội Châu.

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status