Phân Tích Tác Phẩm Chữ Người Tử Tù Lớp 11 Của Nguyễn Tuân

Đề bài: Phân Tích Tác Phẩm Chữ Người Tử Tù Lớp 11 Của Nguyễn Tuân

Bài làm

Khi nhắc đến sự nghiệp văn học của nhà văn Nguyễn Tuân, người ta không thể không nhắc tới tác phẩm Chữ người tử tù, một trong những tác phẩm xuất sắc, có giá trị đặc biệt với văn học Việt Nam. Trong tác phẩm Chữ người tử tù, tình huống truyện đã được đặt ra và đẩy lên cao trào thông qua sự việc viên Quản giáo tìm cách xin chữ của người tù Huấn Cao và cảnh tượng cho chữ có một không hai trong lịch sử.

Trước hết, với nhân vật Huấn Cao, ông là người có tài, có đức, là một người có hoài bão sự nghiệp lớn lao. Tuy nhiên ông cũng có thể coi là một vị tướng ngã ngựa, sự nghiệp của ông đã sa cơ lỡ vận và cái hậu quả mà ông phải gánh chịu ấy là cái án tử hình. Thế nhưng con người tù tội ấy vẫn hiên ngang lẫm liệt, cái khí phách của ông khi phải làm một người tù, phải đeo gông, phải bước vào trong xiềng xích vẫn như một vị anh hùng. Cách những người tù rũ rệp cũng thể hiện bản lĩnh và phong thái của những con người ấy.

Huấn Cao là một người tài, ông còn có tài viết chữ. Cái chữ của ông nổi tiếng không chỉ đẹp, không chỉ ở chỗ ông viết nhanh mà quan trọng hơn nó là cái chữ nói lên hoài bão của một con người, tức là trong cái chữ của ông hội tụ những tư tưởng lớn, những khát vọng tung hoành cùng những ý tưởng của một người tài. Thế nhưng có trong tay những nét chữ mà nhiều người tri thức mơ được treo trong nhà vậy mà Huấn Cao lại không hề bán, không hề lợi dụng chữ của mình để làm nhiều việc tư lợi. Cả đời ông chỉ cho chữ cho 2 người, và đó phải là những người vô cùng đặc biệt. Có người nhận xét, việc Huấn Cao cho chữ viên Quản ngục không phải là bởi trước khi chết để lại kỉ vật cho đời, cũng không phải do ông cảm tạ ân tình của viên Quản ngục mà trả ơn. Ông cho chữ là bởi “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi… Thiếu chút nữa ta phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Như vậy việc cái chữ được cho đi là cho người hoàn toàn xứng đáng, nét chữ nết người. Chữ của Huấn Cao đẹp nói lên con người của Huấn Cao là một con người khảng khái, cương trực. Huấn Cao cho nét chữ ấy cho viên Quản ngục tức là cái nết của viên Quản ngục cũng hoàn toàn xứng đáng, ông là người phù hợp để nhận được những nét chữ ấy.

Đối với viên Quản ngục, ông cũng là một người được khắc họa rõ nét trong câu chuyện. Viên Quản xuất hiện đầu tác phẩm trong việc bàn luận với viên thơ lại về vấn đề xin chữ của Huấn Cao. Viên Quản là người đại diện cho luật pháp, cho chế độ phong kiến chuyên quyền, thông thường ở vào vị trí của ông người ta có cái đặc quyền được hách dịch, được thị uy với phạm nhân, được là một vị phụ mẫu của thiên hạ. Thế nhưng viên Quản này lại là người đọc vỡ sách thánh hiền và có lòng yêu cái đẹp, yêu nét chữ của Huấn Cao.

Ngay từ khi Huấn Cao đến, viên Quản đã có những đãi ngộ đặc biệt với ông, kể cả khi bị Huẩn Cao khinh bỉ, coi thường viên Quản cũng không hề tỏ ra giận dữ hay có ý muốn trả thù. Lòng yêu cái đẹp và khát khao nét chữ Huấn Cao phải lớn lắm thì viên Quản mới có thể bỏ qua, không để ý đến thái độ trịch thượng của người tù dành cho mình một cách vô lí như vậy. Và một người khi có lòng yêu cái đẹp lớn lao dường vậy, hẳn người đó không phải là một người xấu. Bằng chứng là ngay sau khi nghe câu chuyện và nguyện vọng của ông, một người lạnh lùng, cương nghị như Huấn Cao cũng rưng rưng xúc động mà đồng ý cho chữ ngay.

Xem thêm:  Trình bày sự cảm nhận và lí giải của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước

Cảnh tượng cho chữ trong truyện là một trong những điều được tác giả lưu tâm khắc họa rõ nét nhất trong toàn bộ tác phẩm. Trong cảnh cho chữ ấy có sự đối lập giữa tư thế và địa vị của người cho chữ và người nhận chữ, sự đối lập về thời gian và bối cảnh cho chữ với tâm trạng nghẹn ngào xúc động của 2 con người trong ngục tù. Lúc này không có Quản giáo và người tù, cũng chẳng có một vị tướng tài và một người của bộ máy phong kiến, chỉ có 2 con người có lòng yêu và trân trọng cái đẹp.

Cảnh tượng cho chữ ấy chắc chắn là cảnh tượng có một không hai trong căn nhà ngục này, cũng là cảnh tượng sẽ không bao giờ quên đối với người Quản ngục. Lời nhắn nhủ của Huấn Cao với viên Quản ngục và sự lĩnh hội của ông cũng đã minh chứng cho việc cái đẹp cái thiện lương đã hoàn toàn chiến thắng.

Chữ người tử tù là một thiên truyện về giá trị của cái đẹp trong cuộc sống. Cái đẹp sẽ chiến thắng mọi hoàn cảnh và không phân biệt địa vị tầng lớp của con người. Điều nổi bật lên trên khỏi tác phẩm không phải người tù lẫm liệt, không phải một ông Quản giáo thiện lương mà là cái đẹp, cái tâm hồn cao đẹp và nhân cách đáng quý của những con người vẫn sáng trong dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status