Phân tích tác phẩm Thương Vợ -Ngữ văn lớp 11

Phân tích tác phẩm Thương Vợ -Ngữ văn lớp 11

Hướng dẫn

THƯƠNG VỢ

I- NHỮNG TRI THỨC Bổ TRỢ

1.Về cuộc đòi của Trần Tế Xương

Trần Tế Xương (1870 – 1907) thường gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định). Là một nhà nho đi thi chỉ đỗ đến Tú tài, không làm quan hay làm công chức nên đời sống của nhà thơ tương đối khó khăn. Cảnh nghèo là một đề tài dễ gặp trong thơ Tú Xương. Ông cũng thường xuyên làm thơ tự trào, tức là tự chế giễu, mỉa mai mình chính là vì nhận thấy bản thân là một kiểu “người thừa”. Gánh nặng kinh tế gia đình chủ yếu đặt lên đôi vai buôn bán đảm đang của bà Tú.

2.Hình tượng người vợ trong văn học nhà nho

Mặc dù có quan hệ gần gũi, thân thiết, nhưng người vợ hầu như vắng bóng trong sáng tác văn thơ của các “ông chồng” nhà nho thời trung đại.Thế kỉ XVIII trở đi, một số nhà nho như Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du bắt đầu viết về người vợ, nhưng phổ biến là thơ khóc vợ, nghĩa là viết về vợ khi vợ đã chết. Dòng thơ ca khóc vợ tiếp tục với Nguyễn Khuyến ở thế kỉ XIX, Đông Hồ ở thế kỉ XX. Rất hiếm nhà thơ nhà văn viết về người vợ lúc còn sống, lại càng hiếm hơn kiểu bài thơ viết về người vợ tần tảo, buôn bán nuôi chồng con. Đặt trong bối cảnh đó, dễ thấy Thương Vợ là một bài thơ lạ, hầu như không có tiền lệ. Tác giả đã viết bài thơ với tất cả tình cảm chân thành và xây dựng hình tượng người vợ với sự sáng tạo của riêng mình. Ngoài bài thơ này, Tú Xương còn có một số bài khác viết về cuộc sống của vợ.

Có lẽ nhờ bài thơ này mà bà Tú Xương nổi tiếng. Theo Phan Khôi (dưới bút danh Thông Reo), trên báo Trung lập (Sài Gòn), số 6581/ năm 1931 cho hay: Năm 1931 bà Tú mất, hầu hết báo chí ngoài Bắc đều đưa tin và có báo còn coi đây là cái tang chung cho nữ giới Việt Nam.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 11: Lưu biệt khi xuất dương

Il – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Kết cấu tình – cảnh

Theo phép làm thơ, một bài thơ xưa được xây dựng theo nguyên lí tình – cảnh (còn gọi là thuyết ý cảnh). Tất nhiên ở đây, cảnh phải được hiểu theo nghĩa rộng, không đơn giản là cảnh thiên nhiên mà còn gồm cả sự việc. Tâm con người tiếp xúc với cảnh, tình nảy sinh. Theo sơ đồ này, ta thấy, bài thơ có hai phần rõ rệt.

-Phần một (bốn câu thơ đầu): nêu sự việc khách quan, có giá trị như cảnh trong các bài thơ khác. Hai câu thơ đầu cho biết bà Tú buôn bán để nuôi cá gia đình, từ năm đứa con đến một người chồng:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Sau nhận xét khái quát về sự thật đó, ở hai câu 3-4, nhà thơ khắc hoạ hai hình ảnh gây ấn tượng nhất về bà Tú:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Bà Tú lặn lội trên quãng đường vắng vẻ như thân cò (một hình ảnh quen thuộc về thân phận người bình dân trong văn học dân gian) và trải qua những nguy hiểm trên con đò đông người. Thân cò và đò đông là những hình tượng nghệ thuật của văn học dân gian truyền thống. Nhà thơ viết về một đề tài không có tiền lệ (việc buôn bán tần tảo của người vợ) nên không thể vay mượn điển tích, điển cố có sẵn của văn học truyền thống phương Đông (Nho giáo vốn coi khinh việc buôn bán) mà buộc phải tìm đến truyền thống văn học dân gian.

-Phần hai (bốn câu thơ sau): là những suy nghĩ, cảm xúc.

Xem thêm:  Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tính tự lập và sự chủ động hòa nhập với thế giới xung quanh.

Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.

Hai câu 5 – 6 là sự ghi nhận đầy xúc động mà kín đáo về đức hi sinh của người vợ: bà Tú âm thầm cam chịu, chấp nhận sự vất vả, khó khăn mà không hề kêu ca, than thở. Hai câu 7 – 8 chuyển đối tượng bình luận: những lời phẫn nộ nhằm vào thói đời bạc bẽo, những ông chồng không làm được gì để giảm gánh nặng cho người vợ. Khi dùng từ thói đời, nhà thơ đã khái quát một sự thực không chỉ liên quan đến bản thân ông mà còn liên quan đến nhiều ông chồng khác. Sự tự phê phán nghiêm khắc của một nhà nho, một người đàn ông. Đây là chỗ độc đáo của bài thơ. Nhà nho trước Tú Xương hiếm có ai lại tự phê phán, chỉ trích bản thân gay gắt như thế. Trong hoàn cảnh mới, Trần Tế Xương đã đặt vấn đề nhà nho phải nghiêm khắc xem xét lại lối sống của họ.

Như vậy, bài thơ bắt đầu bằng sự việc chọn lọc rồi từ đó nêu các suy nghĩ, xúc cảm về ngưòi vợ. Tình cảm yêu thương, trìu mến, trân trọng dành cho người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó bộc lộ qua những quan sát cụ thể, thực tế nên chân thành, sâu sắc. Từ suy nghĩ về người vợ, tác giả liên hệ tự phê phán bản thân. Bài thơ vừa có chất tự sự, vừa có chất trữ tình.

2.Nhân vật

Bài thơ ngắn nhưng có hai nhân vật. Nhân vật người vợ được tả có chất tạo hình đậm nét. Nhân vật thứ hai ẩn kín sau những lời bình luận, phát biểu. Thực chất đây là nghệ thuật thể hiện hình ảnh người vợ nhìn từ những góc độ khác nhau. Hình tượng bà Tú là sự miêu tả khách quan những sự việc mà ai cũng có thể ghi nhận, còn khi nhân vật tác giả xuất hiện trong 4 câu thơ cuối cùng, bà Tú lại hiện ra qua sự cảm nhận, bình luận, qua thái độ trìu mến, trân trọng, qua sự tự phê phán của riêng tác giả.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 11: Chiều xuân

3.Ngôn ngữ nghệ thuật

Chất liệu ngôn ngữ của bài thơ là những từ ngữ của đời sống, là lời ăn tiếng nói hằng ngày, thành ngữ và cách nói dân gian. Tác giả sử dụng cả lời mắng mỏ nhẹ nhàng (cha mẹ thói đời). Nghệ thuật tu từ: các từ ngữ tạo hình (lặn lội), âm thanh (eo sèo), nghệ thuật đối xứng của thơ Đường luật ở các cấp độ khác nhau (tiểu đối – tức là đối trong một câu như: một duyên/ hai nợ, năm nắng/ mười mưa ; liên đối – tức là đối hai câu như các cặp đối câu 3-4, câu 5-6). Các biện pháp nghệ thuật khác nhau của cả thơ Đường luật bác học và các biện pháp tu từ của văn học dân gian tạo nên tính chất vừa trang trọng vừa thân mật, gần gũi, chân thành cho bài thơ.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM CÂU CÁ MÙA THU NGỮ VĂN LỚP 11 TẠI ĐÂY

Theo Vanmauvietnam.com

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status