Phân Tích Tâm Trạng Nhân Vật Trữ Tình Trong Bài Thơ Tự Tình

Đề bài: Phân Tích Tâm Trạng Nhân Vật Trữ Tình Trong Bài Thơ Tự Tình | Hồ Xuân Hương

Bài làm

Tình yêu luôn là một trong những đề tài muôn thuở của thơ ca. Có những tình yêu ngọt ngào hạnh phúc, nhưng cũng có những cuộc tình ngang trái đầy khổ đau. Hồ Xuân Hương – một người phụ nữ luôn khát khao yêu đương với trái tim nồng cháy đã đi qua biết bao nhiêu trang thơ và để lại bao nhiêu nỗi niềm da diết, băn khoăn. Trong lúc đau khổ nhất, tuyệt vọng nhất, bà lại tìm đến thơ như một người bạn tri âm tri kỷ để dãi bày tâm sự thầm kín trong lòng mình. Và “Tự tình” là một trong những dòng tâm sự ấy.

Bài thơ chỉ gồm tám câu ngắn gọn nhưng từng câu từng chữ lại chứa đựng nhiều cảm xúc của Xuân Hương về một tình yêu dang dở và khổ đau. Trong đó, bà đã tự lấy mình làm nhân vật trữ tình để hướng ngòi bút vào và vẽ lên một sự thật bẽ bàng:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”.

Đêm khuya luôn là khoảnh khắc khiến con người ta dễ chìm vào những khoẳng lặng của tâm hồn, của nỗi buồn, của niềm đau. Cái khoảnh khắc đáng sợ ấy dường như muốn nhấn chìm tất cả, bao trùm lên tâm hồn người con gái đang nhớ thương da diết tới một người nơi xa. Nỗi nhớ ấy có lẽ cũng giống như tiếng trống canh dồn kia, “văng vẳng”, mờ nhạt, “yếu ớt” và vô định. Vô định không phải vì không xác định được ai là người mà Xuân Hương đang thương nhớ, mà vô định là sự mờ mịt về tương lai của tình yêu, của nỗi nhớ ấy. Không biết rằng người đó có nhớ tới nhà thơ không, có nhớ Xuân Hương như lòng bà đang nhớ người lúc này không. Mỗi một câu thơ được viết ra là mỗi một lần tiếng nấc lòng được cất lên một cách thầm kín và lặng lẽ. Xót xa, tủi hờn, Xuân Hương tự thấy mình “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Lúc này, tình yêu không còn là tình yêu riêng tư của một người con gái gửi tới người yêu nữa, mà rộng hơn, sâu sắc hơn, đó còn là sự đối lập giữa thân phận nhỏ bé của nhà thơ với “nước non”, với cả một thế giới bao la rộng lớn. Câu thơ còn gợi lên cho người đọc sự lẻ loi, cô đơn của một trái tim giữa biển đời mênh mông, gợi lên sự xót thương và cảm thông vô cùng sâu sắc.

Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Lúc buồn người ta vẫn thường nghĩ đến rượu, uống rượu giải sầu, để chìm vào cơn say mà quên đi nỗi đau thực tại. Xuân Hương cũng vậy, nhưng nỗi lòng kia nặng quá, men rượu không thể nào che lấp đi được. Hương rượu lẫn với men tình hòa quyện vào nhau càng khiến cho tâm trạng nhà thơ thêm trống vắng và buồn đau. Có lẽ lúc này Xuân Hương đang buồn lắm, một nỗi buồn không thể nào diễn tả bằng lời, đành mượn hình ảnh “vầng trăng” để nói hộ lòng mình. Nhưng lại càng buồn hơn khi vầng trăng ấy cũng chẳng trọn vọn mà lại “khuyết chưa tròn” giống như tâm trạng chơi vơi, chới với của một người đang khát khao yêu đương nhưng không thể nào đạt được. Xuân Hương cũng vậy, những nỗi niềm chất chứa trong lòng bà đang trào ra khỏi đầu ngọn bút, thấm nhuần trên từng câu từng chữ, khiến người đọc không khỏi xót xa.

Nhưng rồi, ý chí và niềm tin của một người phụ nữ mạnh mẽ đã tự vực bà dậy:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”

Có lẽ Xuân Hương muốn bứt phá, muốn vươn mình bật dậy hỏi thực tại đau thương để làm nên những điều mà mình chưa từng làm. Bởi thế, trong câu thơ của bà bỗng dưng nổi lên những động từ rất mạnh và dứt khoát: xiên, đâm. Những đám rêu dù yếu ớt nhưng vẫn còn có đủ sức để “xiên ngang mặt đất”, giống như mấy hòn đá “đâm toạc chân mây”, vậy thì cớ sao bà lại yếu mềm đến vậy. Câu thơ như một lời động viên bà tự dành cho bản thân mình để tiếp tục cố gắng, tiếp tục vươn lên khỏi nỗi đau của thực tại. Trong lòng người phụ nữ ấy vẫn đang tràn trề bao hi vọng và niềm tin.

Xem thêm:  Phân tích bài Vội vàng để chứng minh nhận định : Thế nào là thơ…

Nhưng dù có thế nào đi nữa, sự thật vẫn luôn là sự thật, dù lòng người có muốn chạy trốn cũng không thể nào đảo ngược lại quy luật của thời gian.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Giống như Xuân Diệu từng thốt lên một cách bẽ bàng chua xót:

“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian…”

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Tình yêu còn đó, nhưng tuổi xuân để thưởng thức tình yêu thì ngày một vơi dần đi. Đó là quy luật vĩnh hằng của tự nhiên, không ai có thể chống lại được. Bởi thế, một lần nữa nhà thơ lại rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, khổ đau. Xuân cứ đi, xuân lại về nhưng tuổi xuân của đời người thì không bao giờ trở lại. Sự hữu hạn của cuộc đời không thể nào ôm hết được sự vô hạn của tình yêu. Thế nên, qua mỗi một mùa xuân, tình yêu của Xuân Hương lại bị “san sẻ” chỉ còn lại chút “tí con con”.

Tình yêu, nỗi nhớ và nỗi tuyệt vọng, tất cả đều được Xuân Hương thể hiện trong những câu thơ ngắn gọn, xúc tích và giàu hình ảnh. Dù trong đó có lóe lên những tia hi vọng rất mạnh mẽ, nhưng sau cùng, nhân vật trữ tình chính là nhà thơ vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận sự thật đớn đau và bẽ bàng. Tuy nhiên, qua những dòng tâm sự thầm kín, ta vẫn thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của “Bà Chúa Thơ Nôm” trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng. Cho đến nay, bài thơ vẫn còn nguyên giá trị và được nhiều nhà bình luận văn học đề cập đến.

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status