Đề bài: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày em về thăm trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó
Bài làm
Huế, ngày 25 tháng 06 năm 2038
Viết vào những ngày mưa ở Huế
Khánh Hoài thân mến,
Mình biết bạn đang rất bận nhưng xin hãy dành ít phút đọc lá thư này của mình. Cuộc hội khóa của tập thể lớp chúng ta sau hai mươi năm xa cách vừa rồi thật sự đã làm mình rất xúc động.
Kể từ ngày tập thể lớp 9/1 chúng ta rời khỏi mái trường THCS Thủy Phương, có thể không một thành viên nào có thể quên đi niên khóa 2015-2019 đầy ắp kỉ niệm ấy. Hai mươi năm thấm thoắt thoi đưa, người thì đã lớn nhưng lòng còn rất trẻ. Mình – lớp phó học tập Đức Minh này, chưa bao giờ quên đi lớp học “siêu quậy” ấy. Những phút giây trước ngày hội khóa, lòng mình nôn nao đến lạ. Một cảm giác vấn vương, nào tình bạn, tình thầy trò bỗng trào dâng trong mình. Chúng luôn thôi thúc mình cất bước đến với ngày hội khóa – một ngày trọng đại vô cùng.
Khánh Hoài à, bạn có biết không? Hôm hội khóa là ngày mà mình được khoa Vật lí của đại học khoa học Huế cử đi thuyết giảng về Thuyết Tương Đối. Thế nhưng mình đã khéo chối từ để đến với lớp ngày hôm ấy. Bạn có tin rằng mình xuất phát từ rất sớm không? Đồng hồ vừa điểm sáu giờ là mình đã “bon bon” trên xe máy. Và rồi, mình nghẹn ngào đứng trước mái trường xưa. Trước mắt mình lúc ấy là chiếc cổng cao ráo với hàng chữ “CHÀO MỪNG CÁC CỰU HỌC SINH NIÊN KHÓA 2015-2019 VỀ TỰU TRƯỜNG THĂM BẠN”. Bạn có còn nhớ không? Trước chiếc cổng đỏ tươi ấy, hai mươi năm về trước, lớp chúng ta đã chia tay. Xúc động biết chừng nào! Chúng ta đã chụp một bức ảnh để lưu giữ một kỉ niệm và rồi ai cũng khóc. Mình cũng đã khóc rất nhiều và ngày hội khóa, giọt nước mắt ấy lại trở về. Mình bất giác rơi lệ… có lẽ vì mình quá nhớ bạn bè, thầy cô. Rồi mình bước tiếp, thật nhẹ và chậm như một cậu bé mới buổi đầu đi học. Mình giật mình nhìn ra căn phòng xưa cũ. Ôi, căn phòng số 24 ấy! Nó vẫn còn! Chỉ khác là ngày xưa nó khoác chiếc áo vàng rực rỡ, nay lại thay bằng bộ áo màu xanh nhạt. Song màu áo ấy có biến ra muôn vạn sắc màu thì mình cũng nhận ra. Bởi lẽ căn phòng ấy là căn phòng mà mình yêu thương. Nhớ hôm xưa, lớp mình học ở đây suốt hai năm (lớp 8 và9). Tại đây, bao kỉ niệm vui, buồn, hờn, giận đã diễn ra. Nhớ hôm xưa, các “nàng” thường hay ăn hàng ở trước cửa lớp và trò chuyện vui vẻ. Quỳnh Nhi, Phương Linh, Diệu Linh… đến giờ mình vẫn nhớ. Nhớ hôm xưa, các chàng trai thường chơi ca-rô, đuổi bắt… inh ỏi cả căn phòng. Vui vẻ biết bao! Đẹp tươi khôn xiết! Rồi một vài cặp “nam thanh nữ tú” hay đi cạnh nhau, cũng trong lớp học này, vô tình bị người ta gán cho chữ “tình yêu”. Có phải tuối ấy là tuổi mà thanh thiếu niên bắt đầu tìm đến cái “yêu”? Mình không nghĩ vậy. Nhưng câu nói của ông Tâm tinh nghịch đến giờ mình vẫn nhớ: “Khi người ta mọc mụn là người ta bắt đầu yêu.”. Ha ha! Có đáng cười không chứ? Một ông cụ non lẻo mép! Bạn có thầy mình hơi tào lao không? Đừng vậy nhé! Mình lại nghĩ đó là những kỉ niệm vô giá mà túi tiền bạc tỉ không hề mua lại được. Chúng ta nên khắc ghi nó phải không?
Mình bước ra giữa sân trường. Cột cờ giờ đã được thay thế, cao hơn, mới hơn. Nó làm bằng sắt không gỉ chứ không bằng hợp kim như xưa nữa(theo cách nhìn Vật lí của mình là vậy). Quanh cột cờ và sân trường này, biết bao hoạt động của tập thể mình đã diễn ra: Nghi thức Đội, dân vũ, trò chơi dân gian,… Mình đã từng trốn tránh chúng một thời nhưng giờ mới thấy hối hận. Vì giờ đây, nếu đem vàng đổ sập cả sân trường thì cũng chẳng đào đâu ra những tháng bên bè bạn nữa. Ngày ấy, mình ham học và đâm đầu vào việc học, ấy rồi bạn bè xa cách, tìm đâu ra thật nhiều kỉ niệm trong nhà băng kí ức. Nghĩ mà áy náy quá, nước mắt lại chảy. Ấy là giọt thứ hai. Mong bạn tha thứ cho mình.
Mình chợt quay sang trái vì có một người vỗ vai mình.
– Ô! Hân, bạn Hân phải không? – Mình nhảy cẫng lên.
Người đàn ông với khuôn mặt chữ điền ôm chầm lấy mình, thân mật:
– Ha ha! Cách biệt chưa lâu, làm chi mà lạ lẫm rứa?
Chao ôi! Tiếng Huế Hân vẫn giữ. Mà ra Bắc có mấy năm, mình quên bén mất. Mình vội đáp bằng giọng Huế:
– Chi mô bạn. Bạn vỗ cái làm mình mất vía đó chứ. Thế bữa nay bạn làm chi?
Vẫn chất giọng khàn khàn trong cổ họng, Hân đáp:
– Mình làm giáo sư Hóa học ở Đại học sư phạm Huế. Cũng gần đây thôi! Rứa bạn đi mô mấy năm chừ?
– Mình làm giáo sư Vật lí ở Đại học Khoa học Huế. Năm năm trở lại đây, mình ra Hải Phòng giảng dạy.
Hân vỗ vai mình:
– Ngon rồi! Bữa mô đi cafe nói chuyện nhé. Chừ vô tọa đàm cả muộn.
Tôi cười, nhếch bộ ria dài:
-Ha ha! Mới có bảy giờ!
– Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau. Ai dạy mình câu nớ nhỉ? – Ai đó bỗng nói.
Chúng mình quay lại thì thấy Anh Thư. Mình chưa kịp chào, cô ấy tiếp luôn:
– Hai anh mấy năm rồi mà vẫn là đôi tri kỉ. Chả bù câu nói anh nói với tôi thấm thoắt đã quên!
– Ha ha! Cậu Minh không quên mô mà bạn sợ. Thôi, vô ngồi trong đó là huề. – Hân đáp
Chúng mình cho là Hân nói phải, liền vào trong rạp rồi ngồi xuống quanh một bàn. Rồi Phương Nhi tới, Trọng tới, Hào tới… Ba mươi bảy người cùng tới, cả cô Ngọc hôm xưa cũng lặn lội từ Sài Gòn ra cho được. Chúng mình niềm nở hỏi han nhau, như bạn thấy đấy. Mình mừng thầm vì giờ bạn bè trong lớp ai cũng có nghề nghiệp ổn định, an cư lạc nghiệp. Mình mừng trong tiếng cười vì Trọng giờ đã là nhà sản xuất game có tiếng. Phương Nhi và Thư giờ là hai cô giáo dạy Văn ở trường mình. Mình còn mừng trong niềm tự hào vì bạn đã là giáo viên tiếng Anh ở nước ngoài. Mình mừng cho tất cả bạn bè của mình. Có lẽ mừng quá mà mình quên khuấy đi tiếng nhạc chào mừng đang văng vẳng bên tai. Buổi hội khóa đã bắt đầu. Xung quanh mình là muôn vàn ánh sáng màu từ các đèn LED trên cao, sân khấu cũng nổi khói tựa như sương sớm… Giờ mọi người mới để ý đến mình. Có người bảo mình già trước tuổi, mình chọc lại rằng họ còn quá trẻ nên mới thấy thế. Chọc thế chứ chúng mình rất vui và không hề để bụng. Cô Phương Nhi và Phương Linh lúc ấy đang ca hát trên sân khấu. Hôm xưa hay bảo hai cô là hai cây “mi-crô” của lớp thì hôm nay cũng như xưa vậy. Mình và Hân lại đang trò chuyện về những định luật mới của bộ môn Lí – Hóa. Chúng mình hợp nhau từ trẻ phải chăng cũng vì cớ ấy? Mình lại thấy bạn và những người khác đang say sưa trò chuyện ở bàn đối diện. Nói gì mà liến thoắn thế cô Hoài? Bỗng một người chắn ngang mình và Hân bằng một câu nói dõng dạc:
– Nghiêm! Hai anh có thấy thầy ở đây không vậy?
– Ấy chết! Thầy Cần đấy. Mình vội vàng mà Hân cũng cuống quýt:
– Em chào thầy! Tụi em hăng say quá nên không biết thầy đến. Thầy cho em xin lỗi.
Thầy lúc này mới hạ giọng vui cười:
– Ha ha! Thầy đùa các em thôi. Hai anh em tới hội khóa hả? Vui vẻ nha!
Rồi thầy đi. Hu ba hồn bảy vía! Lỡ thầy phạt chúng mình thì khổ! Cảm nghĩ thơ ngây ấy, bỗng dưng sau hai mươi năm xa cách, mình lại bắt gặp. Ý tưởng ấy bay qua mình lẹ làng như một làn mây lướt qua ngọn gió vì có một chiếc áo dài tím đang tiến về mình.
– Ê, giáo sư, bữa nay nói năng còn rườm rà không?
Hì hì! Cô Hằng dạy Anh văn chứ ai. Mình đáp:
– Dạ, cháu luyện tiếng Anh cũng nhiều nhưng còn dở tệ lắm. Bữa nào cô góp ý cho cháu nhé!
– Hà hà. Anh giờ làm giáo sư, thiếu gì người giúp đỡ. Nhưng có gì cần cứ nói cô nha. “Ô-kê”?
– Dạ, cháu “thank” cô nhiều nhé! – Mình đáp như một người mang ơn vậy.
Kia là cô Thanh và cô Hồng dạy văn. Hai cô đang đi cùng nhau với mái tóc đã hai thứ màu. Hai cô cùng “nhà thơ” Anh Thư của chúng ta đã xuất bản tập thơ “Thủy Phương- Một mái trường” hồi năm trước. Hiện cả ba giảng dạy ở cùng một trường. Mình mừng cho họ và không quên chúc hai cô những lời chúc tốt đẹp. Và rồi mình còn gặp nhiều thầy cô khác nữa: thầy Hạnh, thầy Bình, cô Nhung, cô Tuyết… Ai nấy cười tươi như hoa, vui như đi hội. Và đặc biệt nhất là sự xuất hiện của cô Lý – cô chủ nhiệm hồi lớp 8,9. Cô mặc áo dài trắng tinh của một nữ sinh vì cô muốn gần gũi với học sinh. Cô hỏi han từng người trong chúng ta. Cô nhớ rõ từng người dù đầu cô đã hai thứ tóc. Điều đó đã làm mình quý trọng cô từ phút đầu. Bạn có nghĩ như mình không, Hoài?
Mình cùng thầy cô, bạn bè ôn lại kỉ niệm xưa trong những phút tiếp theo của buổi lễ. Mình như được sống lại với lứa tuổi học sinh cấp 2 đẹp mà thơ. Cuối buổi, bỗng dưng mỗi người cầm một bó hoa tươi đến ôm chầm các thầy cô rồi tặng cho họ. Mình biết mọi người dấu tôi và Hân vì sợ chúng mình sẽ tặng trước cho thầy cô. Vì rằng chúng mình không thích “đi cuối” mà luôn luôn “đi đầu”. May thay! Chúng mình cũng có sẵn hai bức ảnh chụp mái trường yêu dấu thật to, thật đẹp để dâng tặng thầy cô. Đó nhận tình cảm nồng nhiệt ấy, thầy cô đã trao gửi chúng ta những nụ hôn và hàng nước mắt hạnh phúc. Thầy hiệu trưởng Lê Ngọc Thành tóc đã bạc trắng một màu vẫn cất to lời cảm ơn thế hệ cựu học sinh. Trong lời phát biểu của thầy, mình nhớ như in một câu nói ý nghĩa:
– Các em không phải là thế hệ vàng của trung học Thủy Phương… Các em là một thế hệ hoàng kim của Thủy Phương! Cảm ơn các em! Cảm ơn các em!
Mình đã nhiệt liệt vỗ tay vì xúc động. Và mọi người cũng vậy, tất cả chúng ta.
Buổi hội khóa kết thúc trong sự nuối tiếc và nhung nhớ của 38 cựu học sinh, của thầy cô và mái trường. Mình tự hỏi nếu một ngày dài hơn 24 tiếng và một khóa học cấp 2 dài hơn 4 năm thì tập thể mình sẽ còn đẹp đến đâu. Sao thời gian vội lấy đi những thứ tốt đẹp ấy? Giọt nước mắt bỗng lăn dài trên má.
Hôm nay và ngày mai, mình là giáo sư Vật lí, bạn là giảng viên Anh ngữ quốc tế… Ba mươi tám người hòa vào cuộc sống bề bộn và mỗi người một ngả. Nhưng xin hãy nhớ rằng: THCS Thủy Phương mãi là “kim chỉ nam” của chúng ta. Một tập thể “Đại đoàn kết” trường tồn.
Cảm ơn bạn đã đọc thư này. Hãy hồi âm cho mình.
Người bạn trong xưa cũ
Minh
Nguyễn Đức Minh
Tác giả: Nguyễn Đức Minh
Lớp 9/1 – Trường THCS Thủy Phương, Thừa Thiên Huế