[Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích bài Phú sông bạch đằng của Trương Hán Siêu

[Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích bài Phú sông bạch đằng của Trương Hán Siêu

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Dẫn dắt giới thiệu tác phẩm “ Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu.

2. Thân bài:

Khái quát tác giả, tác phẩm

– Tác giả: Trương Hán Siêu.

– Thể thơ: Phú là thể văn cổ dùng để tả cảnh vật, phong tục hoặc tính tình rất đậm chất trữ tình và yếu tố khoa trương. Thể phú được chia làm hai loại: phú cổ thể và phú Đường luật.

– ” Phú sông Bạch Đằng” là phú cổ thể, ca ngợi con sông Bạch Đằng hùng vĩ gắn liền với bao anh hùng, bao chiến công oanh liệt của nhân dân ta trong sự nghiệp chống xâm lăng.

Phân tích:

– Nhân vật khách:

+ “Khách có kẻ” có thể là nhân vật trữ tình hoặc chính là Trương Hán Siêu – một danh sĩ nổi tiếng đời Trần, tính tình cương trực, tâm hồn phóng khoáng.

+ Nhân vật “khách” là một tao nhân với rượu túi thơ, làm bạn với gió trăng, hết mình với thiên nhiên, du ngoạn thăm thú mọi cảnh đẹp xa gần.

+ đi nhiều, biết nhiều, biết cả những danh lam thắng cảnh nổi tiếng Trung Quốc

=> tầm vóc, hoài bão và “tráng chí bốn phương” của người “ khách”.

=> cốt cách kẻ sĩ, chan hoà với thiên nhiên, lấy chữ “nhàn” làm trọng, gián tiếp phủ định lợi danh tầm thường.

+Sông Bạch Đằng trong con mắt của khách:

  • oai hùng, mênh mông, bát ngát, mềm mại, tươi đẹp, mang một sắc xanh của trời cao, cảnh soi chiếu cả ba thu.
  • cảnh vật hoang vu, hiu hắt, đìu hiu, đầy những gươm giáo, xương cốt

=> tan tác, đau thương, một cảnh rùng rợn, ghê sợ và đầy ám ảnh

=> “ khách” buồn thương, tiếc nuối đồng thời là biết ơn vô hạn.

– Các bô lão: sông Bạch Đằng hiện lên hùng vĩ, dữ dội, oai hùng:

+ sống lại những năm tháng hào hùng oanh liệt của tổ tiên:

năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán

năm 1288, Trần Quốc Tuấn mở trận quyết chiến bắt sống Ô Mã Nhi và tiêu diệt hàng vạn quân xâm lược Nguyên – Mông.

“Đương khi ấy…” – ngày 9 tháng 4 năm 1288, trận thuỷ chiến đã diễn ra ác liệt trên sông Bạch Đằng vô cùng tráng liệt.

=> tô đậm trang sử vàng chói lọi.

=> sông Bạch Đằng trở thành một chứng nhận lịch sử.

+ sức mạnh làm nên chiến thắng: đất hiểm và nhân tài:

Nơi đất hiểm trở là Bạch Đằng, Chi Lăng…

nhân tài là Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung…

“Cuộc điện an” là sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, hoà bình, yên vui cho đất nước.

+ Người nhân tài góp phần quan trọng nhất làm nên chiến thắng.

3. Kết bài:

Với âm điệu anh hùng ca, không khí sang trọng cổ kính,…tác phẩm “ Phú sông Bạch Đằng” là một bài ca yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc. Những con người tài giỏi, anh hùng đã viết lên trang sử hào hùng cho dân tộc như Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,…cũng như tiếng thơ Trương Hán Siêu sẽ mãi sống trong lòng người và trường tồn cùng đất nước Việt Nam.

van mau hoc sinh gioi phan tich bai phu song bach dang cua truong han sieu - [Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích bài Phú sông bạch đằng của Trương Hán Siêu

Phân tích bài Phú sông bạch đằng

Làm bài tham khảo

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, sông Bạch Đằng không còn là một con sông bình thường mà đã trở thành một di tích lịch sử, một nhân vật quan trọng góp phần làm nên nhiều chiến thắng vẻ vang cho các triều đại phong kiến xưa. Do đó lấy đề tài về sông Bạch Đằng để sáng tác thơ ca không còn là chủ đề cũ và có rất nhiều tác phẩm viết về nó. Trong số những tác phẩm ấy, chúng ta biết đến nhiều hơn với kiệt tác “ Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu.

Xem thêm:  Suy nghĩ về đoạn thơ Trao duyên

Trương Hán Siêu là một danh sĩ nổi tiếng đời Trần, khi qua đời được vua Trần truy phong là Thiếu Bảo. Ông còn để lại bốn bài thơ và ba bài văn “Dục Thuý sơn khắc thạch”,”Linh Tế Tháp ký”,”Khai Nghiêm tự bi”,”Bặch Đằng giang phú”,.. Tác phẩm “ Bạch Đằng giang phú” chưa rõ năm sáng tác được sáng tác bằng chữ Hán. Bản “ Phú sông Bạch Đằng” trong chương trình sách giáo khoa 10 dựa trên bản dịch của giáo sư Bùi Văn Nguyên.

Phú là thể văn cổ dùng để tả cảnh vật, phong tục hoặc tính tình rất đậm chất trữ tình và yếu tố khoa trương. Thể phú được chia làm hai loại: phú cổ thể và phú Đường luật. Phú cổ thể như một bài văn xuôi dài, có vần mà không nhất thiết có đối, còn gọi là phú lưu thuỷ. Phú Đường luật được đặt ra từ đời Đường, có vần, có đối, có luật bằng trắc chặt chữ, có những kiểu câu được quy phạm rõ ràng. ” Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu viết theo lối phú cổ thể, ca ngợi con sông Bạch Đằng hùng vĩ gắn liền với bao anh hùng, bao chiến công oanh liệt của nhân dân ta trong sự nghiệp chống xâm lăng. Do vậy, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trở thành cảm hứng chủ đạo của “Bạch Đằng giang phú”.

Tác giả mở đầu bài thơ bằng hình ảnh nhân vật “ khách” mang đến nhiều cách nghĩ. “Khách có kẻ” có thể là nhân vật trữ tình hoặc chính là Trương Hán Siêu – một danh sĩ nổi tiếng đời Trần, tính tình cương trực, tâm hồn phóng khoáng. Nhân vật “khách” ấy phải chăng là một tao nhân với rượu túi thơ “chơi vơi” theo cánh buồm, làm bạn với gió trăng qua mọi miền sông biển để sống hết mình với thiên nhiên, để du ngoạn thăm thú mọi cảnh đẹp xa gần. Đêm “chơi trăng mải miết”, “ Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương; Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt”,…

Khách đi nhiều, biết nhiều, biết cả những danh lam thắng cảnh nổi tiếng Trung Quốc như Nguyên Tương, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,… Sự am hiểu biết nhiều ấy đã thể hiện một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, một sở thích lấy việc du ngoạn làm niềm lạc thú ở đời, tự hào về hiểu biết tất cả của mình:

“Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết”.

Chính những địa danh rất đẹp, rất bao la kia cũng phần nào thể hiện tầm vóc, hoài bão và “tráng chí bốn phương” của người “ khách”. Đầm Vân Mộng là một thắng cảnh tiêu biểu cho mọi thắng cảnh. Thế mà “khách” đã “chứa vài trăm trong dạ”, đã thăm thú nhiều lần mà vẫn còn “tha thiết” với bốn phương trời:

“Đầm Văn Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều

Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”.

Như vậy, phần đầu bài phú đã nói lên cốt cách kẻ sĩ. Cốt cách ấy là chan hoà với thiên nhiên, lấy chữ “nhàn” làm trọng, gián tiếp phủ định lợi danh tầm thường.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về mạng xã hội

“ Khách” đã đến nhiều nơi và nơi dừng chân tiếp theo là sông Bạch Đằng:

“Qua cửa Đại than, ngược bến Đông triều,

Đến sông Bạch Đằng, bồng bềnh mái chèo”

Sông Bạch Đằng, con sông oai hùng của Tổ Quốc Đại Việt hiện lên thật mênh mông, bát ngát mà mềm mại, tươi đẹp. Con sông Bạch Đằng mang một sắc xanh của trời cao, cảnh soi chiếu cả ba thu:

“Bát ngát sóng kình muôn dặm

Thướt tha đuôi trĩ một màu

Nước trời: một sắc

Phong cảnh ba thu”.

Cảnh sông đẹp nên thơ là vậy nhưng nơi đây cũng là nơi chiến trường tuy oanh liệt mà đẫm máu của những trận đánh đuổi quân xâm lược của Đại Việt ta. Cảnh núi non, bờ bãi được miêu tả đã tái hiện cảnh chiến trường rùng rợn một thời:

” Bờ lau san sát.

Bến lách đìu hiu

Sông chìm giáo gãy

Gò đầy xương khô”

Hình ảnh những bờ lau, bến lách gợi tả cảnh vật hoang vu, hiu hắt, đìu hiu. Núi gò, bờ bãi giờ đây đầy những gươm giáo, xương cốt của lũ giặc phương Bắc và của cả quân ta đã hi sinh. Tất cả gợi lên một sự tan tác, đau thương, một cảnh rùng rợn, ghê sợ và đầy ám ảnh khiến “ khách” phải buồn thương, tiếc nuối đồng thời là biết ơn vô hạn đối với những anh hùng, tráng sĩ đã đem máu xương mình bảo vệ bờ cõi:

” Buồn vì cảnh thảm

Đứng lặng giờ lâu

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”.

Cùng với “ khách”, các bô lão xuất hiện, cả hai cùng ngắm dòng sông với những con sóng nhấp nhô như sống lại những năm tháng hào hùng oanh liệt của tổ tiên:

” Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã,

Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoàng Thao”.

Các sự kiện lịch sử được tái hiện tỏ rõ niềm tự hào về những chiến công hào hùng trên dòng Bặch Đằng. Đó là sự kiện năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán:

“Bạch Đằng một trận giao phong

Hoằng Thao lạc vía, Kiều công nộp đầu”

Đó là năm 1288, Trần Quốc Tuấn mở trận quyết chiến bắt sống Ô Mã Nhi và tiêu diệt hàng vạn quân xâm lược Nguyên – Mông:

” Bạch Đằng một cõi chiến tràng,

Xương bay trắng đất, máu màng đỏ sông”.

Đó là lúc “Đương khi ấy…” – ngày 9 tháng 4 năm 1288, trận thuỷ chiến đã diễn ra ác liệt trên sông Bạch Đằng vô cùng tráng liệt: ” Tinh thần phấp phới – Tỳ hổ ba quân – Giáo gươm sáng chói”. Các dũng sĩ nhà Trần với quyết tâm ” Sát Thát”, với dũng khí mạnh như hổ báo xung trận. Chiến sự dữ dội ác liệt, giằng co: ” Trận đánh thư hùng chửa phân – Chiến luỹ Bắc Nam chống đối”. Khói lửa mù trời. Tiếng gươm giáo, tiếng quân reo , tiếng sóng vỗ. Ngựa hý, voi gầm. Thuyền giặc bị đốt cháy, bị va vào cọc gỗ bịt sắt nhọn vỡ đắm tan tành. Máu giặc nhuộm đỏ dòng sông. Trận đánh kinh thiên động địa được tái hiện bằng những nét vẽ, những chi tiết phóng bút, khoa trương rất thần tình. Âm thanh và màu sắc, trực cảm và tưởng tượng được tác giả phối hợp vận dụng, góp phần tô đậm trang sử vàng chói lọi:

“Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ

Bầu trời đất chừ sắp đổi”.

Dòng sông Bạch Đằng trở thành một chứng nhận lịch sử:

“Đến nay sông nước tuy chảy hoài

Mà nhục quân thù khôn rửa nổi”.

Con sông chứng kiến những chiến thắng vẻ vang đồng thời chứng kiến cả sức mạnh làm nên chiến thắng ấy: đất hiểm và nhân tài:

Xem thêm:  Kể chuyện về một lần em được đi thăm cảnh đẹp ở địa phương em hoặc ở nơi khác

“Quả là trời đất cho nơi hiểm trở

Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an”.

Nơi đất hiểm trở là Bạch Đằng, Chi Lăng… Còn nhân tài là các tướng lĩnh Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung… “Cuộc điện an” là sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, hoà bình, yên vui cho đất nước. Chính địa thế hiểm trở, nhân tài biết bày kế đánh giặc, biết coi thế giặc nhàn, quân ta mới có thể làm nên chiến thắng, mang về hoà bình, an vui cho tổ quốc:

“Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng

Bởi Đại Vương coi thế giặc nhàn”.

Các bô lão đề cao những anh hùng đã làm nên chiến công hào hùng cho đất nước, dành cho hai vua Trần những lời đẹp đẽ nhất:

“Anh minh hai vị thánh quân

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh”

“ Hai vị thánh quân” là Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh thắng giặc Nguyên – Mông xâm lược. Nhờ những nhân tài mà đất nước được “điện an”; nhờ những vị vua tài giỏi, sáng suốt, anh minh mà Đại Việt được “thanh bình muôn thuở”. Một lần nữa tác giả lại khẳng định bài học lịch sử giữ nước: “bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”. Đức cao là lòng yêu nước thương dân, là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là tinh thần cảnh giác trước hiểm hoạ ngoại xâm. “Đức cao” là nguyên nhân thắng lợi, như Trần Quốc Tuấn đã nói: “Vua tôi đồng long, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” – đó là nguồn sức mạnh Việt Nam.

Với âm điệu anh hùng ca, không khí sang trọng cổ kính,…tác phẩm “ Phú sông Bạch Đằng” là một bài ca yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc. Những con người tài giỏi, anh hùng đã viết lên trang sử hào hùng cho dân tộc như Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,…cũng như tiếng thơ Trương Hán Siêu sẽ mãi sống trong lòng người và trường tồn cùng đất nước Việt Nam.

Bùi Thị Chung

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status