[Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Dàn ý chi tiết:
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả,tác phẩm :
+ Tác giả : Thạch Lam ( 1909-1942 ) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh quê tỉnh Hải Dương.Là người đôn hậu rất đỗi tinh tế.
+ Tác phẩm : Là truyện ngắn đặc sắc của Thạch lam được in ở tập Nắng trong vườn .
– Giới thiệu hình tượng nhân vật Liên trong tác phẩm.
2. Thân bài:
Phố huyện lúc chiều tàn:
Âm thanh:
– Tiếng trống thu không.
– Tiếng vo ve của muỗi.
– Tiếng ếch nhái kêu rang ngoài đồng.
Hình ảnh:
– Phương Tây đỏ rực như lửa cháy.
– Những đám mây ánh hồng.
– Dãy tre làng đen lại.
Kết hợp với chi tiết: “Chiều. Chiều rồi. Một chiều êm ả như ru”. Câu văn êm dịu với bút pháp so sánh để nhấn mạnh không gian chiều tàn đầy êm ả, tĩnh lặng => Bức tranh thiên nhiên đẹp, yên tĩnh nhưng đượm buồn.
* Tâm trạng của Liên:
Liên buồn man mác trước bước đi của thời gian, trước cảnh thiên nhiên vang vắng lặng, đìu hiu: “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị, Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mắc trước cái giờ khắc của ngày tàn”
Cảnh chợ tàn:
– Chợ họp đã vãn từ lâu, tiếng ồn ào cũng mất.
– Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ thị, lá mía, lá chanh,…
– Những người bán hàng về muộn còn nói với nhau ít câu nữa.
– Chỉ còn mấy đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh những gì đã cũ, còn sót lại trên đất.
– Một mùi âm ẩm bốc lên lẫn với mùi cát, nghe sao thân thuộc quá.
=>Cái đông vui đã mất, chỉ còn sự trống trãi quạnh hiu. Tiêu biểu cho quan cảnh làng quê Bắc Bộ trước CMT8/1945.
*Tâm trạng của Liên:
– Một tâm hồn gắn bó với thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, sót thương cho mấy đứa trẻ con nhà nghèo nhưng chính chị cũng không có tiền để cho chúng.
Kiếp người tàn:
– Mẹ con chị Tí ngày mò cua, tối lại dọn gian hàng nước ra nhưng cũng rất ế ẩm cuộc sống, vô cùng khó khăn.
– Bà cụ Thi hơi điên, nghiện rượu vẫn thường mua rượu ở cửa hàng của Liên, bà cũng là 1 con người có hoàn cảnh đáng thương.
– Mấy đứa trẻ con nhà nghèo không được cơm no, áo ấm, phải đi nhặt những thứ còn sót lại trên đất.
– Chị em Liên bán trong cửa hàng tạp hóa nho nhỏ, giờ đây gánh nặng gia đình đã đè nặng lên đôi vai của chị em Liên, bởi cha mất việc ở Hà Nội.
* Tâm trạng của Liên: Liên đồng cảm và xót thương cho số phận của những người dân nơi đây nhưng chính Liên cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn đó.
Phố huyện lúc về đêm:
Trong khoảng không gian tối tăm ấy thì những kiếp người tàn nơi phố huyện vẫn vất vả mưu sinh với cuộc sống tẻ nhạt đơn điệu:
– Mẹ con chị Tí vẫn ngồi trên hành gánh nước chè
– Bác Siêu bắt đầu nhóm lửa bán phở.
– Chị em Liên vẫn ngồi trong cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, ngắm nhìn ra phố huyện.
=> Chừng ấy con người trong bóng tối ngày qua ngày sống quẩn quanh tù túng trong cái cuộc đời vắng lặng nhưng họ vẫn có hi vọng 1 điều tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hằng ngày.
Phố huyện lúc về khuya:
+ Gợi nhớ về quá khứ sung sướng,hạnh phúc của Liên và An.
3. Kết bài:
Khái quát lại nhân vật Liên.
Bài văn tham khảo:
Dù Thạch Lam viết rất nhiều đề tài, nhưng chủ yếu ông vẫn dành nhiều sự ưu ái cho phụ nữ và trẻ nhỏ. Trẻ em trong văn chương của ông có nhiều gương mặt, nhiều hoàn cảnh, nhiều cách cư xử khác nhau nhưng lúc nào cũng thật đáng yêu, đáng mến với những cảm xúc quá đỗi trong trẻo, non tơ, ngọt ngào. Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ có lẽ ta sẽ cảm nhận rõ hơn được vẽ những hình ảnh đẹp đẽ, đọng lại như những giọt sương sớm tinh khôi trong văn chương của Thạch Lam
Câu chuyện được mở đầu bằng những câu văn êm dịu, với những âm thanh và hình ảnh báo hiệu một ngày tàn. Trong cảm nhận của Liên, những âm thanh ấy vang ra từng tiếng một – bút pháp lấy động tả tĩnh cho thấy không gian xung quanh rất yên ả, tĩnh lặng và trong một sắc thái nào đó, nó gợi liên tưởng tới sự ngưng đọng buồn tẻ của thời gian. Đó đều là những âm thanh giản dị quen thuộc của vùng đồng quê với tiết tấu vừa da diết vừa đượm buồn, cùng với thủ pháp lấy động tả tĩnh tác giả giả đã mở ra một không gian vô cùng yên bình thanh tĩnh. Dù là phố huyện nhưng cách đo thời gian nơi đây có vẻ vẫn theo lối cổ xưa, điểm bước đi của thời gian và sinh hoạt của một vùng bằng những âm thanh quen thuộc. Những âm thanh ấy như có linh hồn, có tâm trạng, một linh hồn ảm đạm, một tâm trạng buồn bã – không chỉ là nỗi buồn trong cảnh vật mà còn có sự giao cảm tha thiết, u hoài của lòng người với thiên nhiên.
Lúc đầu là cảnh “nhá nhem tối” khi bóng tối và ánh sáng đan xen qua hình ảnh “những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối”. Bóng tối không chỉ phủ lên cảnh vật, bóng tối còn ngập đầy dần trong mắt Liên, thấm vào tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm của em “nỗi buồn man mác trước cái giờ khác ngày tàn…”. Đó là nỗi buồn dường như vô cớ, ngay Liên cũng không hiểu sao mình lại buồn, có lẽ đó là nỗi u hoài vốn có của con người khi chứng kiến sự trôi chảy, tàn lụi của thời gian. Đặt trong ánh mắt quan sát tính tế và sự cảm nhận mô mộng của Liên, bức tranh thiên nhiên nơi phố huyện nghèo vừa êm đềm, thân thuộc vừa man mác u buồn, thấm đượm cảm xúc trìu mến, nâng niu của con người với cảnh sắc quê hương.
Nhà văn viết về cảnh đời, cảnh người nơi phố huyện bằng chính ký ức tuổi thơ của mình. Thạch Lam có những năm tháng tuổi thơ sống ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ngày ấy, trước Cách mạng nó còn là một phố huyện nhỏ, nghèo nàn, xa vắng. Khi đặt bút viết, những kỉ niệm tuổi thơ nguyên vẹn đã hiện về qua từng con chữ. Mỗi chữ đều phập phồng nhịp điệu trái tim giàu lòng trắc ẩn của nhà văn làm xúc động con người. Chỉ bằng những nét vẽ không cầu kì, chau chuốt Thạch Lam đã kể cho người đọc nghe về một cảnh đời nghèo khó trong một kiếp sống mờ mịt, mỏi mòn, không có ánh sáng tương lai rọi tới. Dù ở khung cảnh nào, ánh mắt hướng đến đâu thì trong đôi mắt Liên vẫn là màu hoàng hôn nhuốm nỗi buồn cơ cực. Tấm lòng Liên hay cũng chính là tấm lòng thương cảm của Thạch Lam dành cho những kiếp người khốn khổ.
Vượt qua sự thiếu thốn, khó khăn về vật chất của phố huyện nghèo trước Cách mạng, Thạch Lam còn phát hiện được tình thương mà mọi người dành cho nhau. Đó chính là sự thương cảm, xót xa của Liên dành cho những con người cùng cảnh ngộ. Cái nghèo đói không thể cướp đi những cảm xúc nhân văn, những tấm lòng lương thiện vốn có ở người dân lam lũ. Càng trong nghèo nàn, người dân lam lũ. Càng trong nghèo nàn, xơ xác họ càng yêu thương nhau hơn và trân trọng những tình cảm tốt đẹp của cuộc sống để hướng tới ánh sáng của tương lai. Hi vọng vào sự thay đổi cuộc đời, dù mong manh, mơ hồ. Thạch Lam vẫn cho thấy những con người ở đây không muốn sự tồn tại của mình trong cuộc đời trở thành vô nghĩa bởi sử quẩn quanh, mòn mỏi.
Có người nhận xét Thạch Lam là một nghệ sĩ tài hoa, trong ông có một họa sĩ, một nhạc sĩ, một nhà thơ. Truyện ngắn Hai đứa trẻ hội tự những phẩm chất đặc biệt của tâm hồn tài hoa đó. Nhà văn đặc biệt thành công trong nghệ thuật tả cảnh, miêu tả tâm trạng nhân vật đặc biệt là tâm trạng của nhân vật Liên. Thông qua nhân vật Liên tác phẩm còn phảng phất một tự truyện. Đây cũng có thể là lí do khiến câu văn của thiên truyện trở nên mềm mại, sâu lắng và tế nhị chứa nỗi buồn man mác của nhân vật Liên và cũng là của tác giả khi hồi cố tuổi thơ của chính mình.
Thái Lê Vân