[Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

[Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nhân vật Mị.

Tác giả: Tô Hoài (1920 – 2014) – một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Tác phẩm: “Vợ chồng A Phủ” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Tô Hoài viết về vùng đất Tây Bắc thân yêu.

Nhân vật Mị có sức sống nội tại mãnh liệt, tiềm tàng.

2. Thân bài

Khái quát chung

Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế của tác giả vào giải phóng toàn bộ Tây Bắc (1952). Tô Hoài am hiểu phong tục tập quán, vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh quật khởi, cuộc sống khổ cực của người lao động vùng cao Tây Bắc.

Xuất xứ: in trong tập Truyện Tây Bắc (1953)

Nội dung phân tích

LĐ1: Giới thiệu nhân vật Mị

Mị xuất hiện với 2 sự vật: tảng đá và tàu ngựa.

LĐ2: Mị trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra:

Trẻ trung, xinh đẹp

Nhiều chàng trai theo đuổi

Có tài thổi sáo giỏi

LĐ3: Mị khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra:

Bị bóc lột sức lao động (chà đạp về thả xác)

Bị cầm tù, giam hãm về tinh thần (bóc lột về tinh thần)

LĐ4: Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị:

Sự trỗi dậy sức sống của Mị trong đêm tình mùa xuân

Ngoại cảnh: không khí mùa xuân ở Hồng Ngài rất tưng bừng, rộn rã với hình ảnh những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá, xòa như những con bướm sặc sỡ. Đám trẻ đợi Tết chơi con quay cười ầm ĩ trước sân nhà. Ngoài đầu núi lấp ló tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi…

Diễn biến của sự trỗi dậy sức sống:

+ Mị uống rượu – hành động vừa bình thường, vừa bất thường. Dấu hiệu đầu tiên của sự “nổi loạn”.

+ Khi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người “nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước”. Kí ức sống dậy với một cô Mị trẻ trung, xinh đẹp thổi sáo hay, có nhiều người mê.

+ A Sử về: cũng như mọi lần, Mị không nói. Cô đến góc nhà lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Một việc làm ý thức ở trong vô thức.

+ Khi Mị muốn đi chơi: A Sử phát hiện ra, hắn trói Mị vào cột nhà, quấn tóc Mị lên cột rồi tắt đèn đi ra khép cửa buồng lại. Hành động tàn ác đo của hắn như một gáo nước lạnh dội vào ngọn lửa sức sống vừa bừng lên dữ dội ở Mị.

+ A Sử đi rồi, còn lại một mình Mị đứng lặng im trong bóng tối. Cô như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu vẫn còn nồng nàn. Tiếng sao gọi bạn ngoài đường vẫn đưa Mị đi theo những cuộc chơi. Suốt đêm hôm đó, Mị bị trói đứng như vậy.

Tâm hồn chai sạn của Mị bỗng dưng thức tỉnh: Sức sống mãnh liệt, tiềm ẩn đằng sau vẻ bề ngoài cam chịu, câm nín của Mị đã trỗi dậy mạnh mẽ khi gặp điều kiện thuận lợi. Nhưng nó đã bị vùi dập một cách phũ phàng bởi hành động tàn ác, lạnh lùng của A Sử.

Sự trỗi dậy sức sống của Mị trong mùa đông

Ngoại cảnh: đêm mùa đông trên núi cao dài và đượm buồn. Mị có thói quen đến bên bếp lửa để sưởi lửa, hơ tay. Đã mấy đêm, A Phủ bị trói ở gần bếp lửa nhưng Mị vẫn thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay.

Diễn biến:

+ Đêm ấy, cũng như mọi đêm, Mị ra bếp hơ tay, sưởi lửa khi ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ. Mị nhớ lại tình cảnh tương tự của mình.

+ Trong trạng thái tỉnh táo, Mị đã có một nhận thức quan trọng về căn nguyên nỗi khổ của mình và những người cũng cảnh ngộ “chúng nó thật độc ác”.

+ Từ chỗ thương mình Mị đã chuyển sang thương cho A Phủ. So sánh mình với A Phủ Mị thấy anh có ít ràng buộc hơn.

+ Hành động cắt dây trói cho A Phủ: Một hành động mạnh mẽ, dứt khoát đến bất ngờ.

Quyết định cởi trói cho A Phủ và giải phóng đời mình của Mị thể hiện: tình yêu thương, sự đồng cảm, đấu tranh giai cấp bảo vệ lấy chính cuộc sống của mình.

Đặc sắc nghệ thuật

Tô Hoài đã thể hiện được tài năng của một cây bút văn xuôi tâm lí.

Xem thêm:  Phân tích nhan đề Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật kết hợp với nghệ thuật tạo tình huống truyện, miêu tả sinh hoạt, phong tục và tâm lí nhân vật.

=> Từ đặc sắc nghệ thuật ấy, tác giả như muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp mang giá trị nhân đạo sâu sắc: lên án, tố cáo tội ác của giai cấp thống trị. Đồng thời đồng cảm với nỗi khổ nhọc của người dân lao động vùng núi Tây Bắc.

3. Kết bài

Tổng kết nội dung phân tích.

Nêu cảm nhận.

phan tich nhan vat mi - [Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Phân tích nhân vật Mị

Bài làm tham khảo

Tô Hoài (1920 – 2014) là một trong số những nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp nhà văn đã có một thời gian dài gắn bó với đồng bào vùng đất Tây Bắc. Tác phẩm  “Vợ chồng A Phủ” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Tô Hoài viết về vùng đất Tây Bắc ra đời trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Đọc truyện ngắn trên ta không khỏi ám ảnh bởi hình ảnh nhân vật Mị – một người phụ nữ có sức sống nội tại mãnh liệt, tiềm tàng.

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” in trong tập Truyện Tây Bắc (1953) chính là kết quả của chuyến đi thực tế của tác giả vào giải phóng toàn bộ vùng Tây Bắc, năm 1952. Trong những năm tháng nhọc nhằn đó, Tô Hoài am hiểu phong tục tập quán, vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh quật khởi cũng như cuộc sống khổ cực của người dân lao động cùng núi Tây Bắc. Cuộc sống, con người và phong cảnh nơi đây đã để lại trong ông nhiều tình cảm thương mến sâu sắc. Từ đó, nó trở thành ngọn nguồn cảm hứng để ông viết nên tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” vô cùng đặc sắc để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Nhất là hình tượng nhân vật Mị.

Mở đầu tác phẩm, Tô Hoài đã đưa người đọc tới một không gian mà ở đó có hình dáng của một người con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Nhưng lạ thay “lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi…”. Hóa ra đó là cô Mị, con dâu của một gia đình quyền thế nhất vùng – thống lí Pá Tra, vợ của A Sử. Sống trong khung cảnh đông đúc, tấp nập của nhà quan thống lí nhưng Mị luôn cô độc, gần như lẫn vào các sự vật vô tri “cái quay sợi, tảng đá, tàu ngựa”. Cách giới thiệu nhân vật Mị như vậy là có chủ đích của tác giả. Ông đã tạo ra tình huống có vấn đề để dẫn dắt người đọc cùng tìm hiểu số phận của nhân vật Mị trong những phần tiếp theo.

Tìm về quá khứ của Mị trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra. Hồi ấy, Mị là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, một bông hoa của núi rừng và nàng đã làm say lòng biết bao chàng trai Tây Bắc “Suốt đêm. Con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách …đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Không những xinh đẹp mà nàng còn có tài thổi sáo rất hay. Mị thổi sáo bằng lá, thổi khiến cho trai làng “ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Tài sắc vẹn toàn là vậy, lẽ ra Mị phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng vì hoàn cảnh nhà nghèo, vì món nợ truyền kiếp từ đời cha mẹ để lại, cô bị đẩy vào hoàn cảnh bi đát, phải sống triền miên trong đau khổ mang danh phận vợ A Sử. Nhưng thực chất là một “con nợ” nàng chấp nhận cuộc sống như vậy cũng chỉ vì thương cha, thương mẹ.

Từ lúc về làm con dâu trừ nợ nhà thống lí “đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc” và có ý định ăn lá ngona tự tử. Cuộc sống nơi đây khiến nàng không chỉ bị bóc lột sức lao động một cách dã man mà còn bị kìm hãm về tinh thần. Cứ như vậy Mị dần tê liệt cảm xúc hệt như một cái xác không hồn vậy. “Ngày càng không nói, lúc nào cũng cúi đầu và mặt buồn rười rượi” Mị sống lặng lẽ, cô đơn lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Nhưng trong con người tưởng chừng vô cảm ấy vẫn tiềm tàng về sức sống, nó đã thức dậy và giúp Mị có hành động táo bạo giải thoát cho cuộc đời mình. Tuy bề ngoài cam chịu nhưng sức sống của Mị vẫn luôn tiềm tàng, chỉ cần có điều kiện là nó sẽ lại bùng lên mạnh mẽ. Điều này thể hiện qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và trong đêm đông giá buốt.

Xem thêm:  Bàn luận về vai trò của số 0 và số 1

Không khí mùa xuân ở Hồng Ngài thật tưng bừng, rộn rã với hình ảnh những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá, xòa như những con bướm sặc sỡ. Đám trẻ đợi Tết chơi con quay cười ầm ĩ trước sân nhà. Ngoài đầu núi đang thấp thoáng tiếng sáo rủ bạn đi chơi. Mị uống rượu – hành động vừa bình thường, vừa bất thường. Có thể coi đây là biểu hiện đầu tiên của sự “nổi loạn” trong tâm hồn Mị. Trong đêm mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình đã làm Mị thiết tha bồi hồi, đánh thức tâm hồn cô làm trỗi dậy lòng ham sống, khát vọng tự do, tình yêu và hạnh phúc.

Khi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người “nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước”. Kí ức sống dậy với một cô Mị trẻ trung, xinh đẹp thổi sáo hay, có nhiều người mê. Rồi Mị đứng dậy đi vào buồng, ngồi xuống giường rồi chỉ biết nhìn với ánh mắt vô vọng ra bên ngoài qua cái lỗ cửa chỉ nhỏ bằng bàn tay. Lúc này, Mị ý thức được sâu sắc hơn bao giờ hết tình cảnh đau khổ của mình. Mị không được đi chơi tết như những người phụ nữ trẻ khác. Mị với A Sử không có lòng nhưng vẫn phải ở ví nhau. Sự đối lập giữa quá khứ tươi đẹp đẽ và hiện tại đau buồn khiến Mị nghĩ nếu có nắm lá ngón trong tay, cô sẽ ăn cho hết ngay “chứ không buồn nhớ lại nữa”. Nước mắt Mị ứa ra. Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn bay lơ lửng ngoài đường.

Cũng như mọi lần, khi A Sử đi chơi về, Mị không nói. Cô lặng lẽ đến góc nhà lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Một hành động ý thức diễn ra trong vô thức thể hiện niềm khát khao được thắp sáng cuộc đời và cả tâm hồn của Mị nữa. Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn rập rờn trong đầu Mị. Mị muốn đi chơi và đang chuẩn bị đi chơi. Mị quấn tóc lại, với lấy chiếc váy hoa.

Ý định đi chơi sắp sửa biến thành hiện thực thì bị A Sử phát hiện, hắn trói Mị vào cột nhà, quấn tóc Mị lên cột rồi tắt đèn đi ra khép cửa buồng lại. Hành động tàn ác đó của gã chồng vũ phu như một gáo nước lạnh dội vào ngọn lửa sức sống vừa bừng lên dữ dội ở Mị. A Sử đi rồi, còn lại một mình Mị đứng lặng im trong bóng tối. Hơi rượu vẫn còn nồng nàn. Tiếng sao gọi bạn ngoài đường vẫn đưa Mị đi theo những cuộc chơi. Điều này chứng tỏ Mị vẫn còn sống với những khát khao cháy bỏng, vẫn dõi theo những cuộc chơi, vẫn bồi hồi theo tiếng sao … Khi Mị vùng bước đi, chân tay đau không cựa được. Nhưng bây giờ đã hết tiếng sáo rồi, Mị chỉ còn nghe thấy tiếng chân ngựa đạp vào vách. Cô thổn thức nghĩ mình còn không bằng con trâu, con ngựa.

Suốt đêm hôm đó, Mị bị trói đứng như vậy. Cô cứ ở trong trạng thái chập chờn lúc tỉnh, lúc mê cho đến sáng. Rồi đến tận khi A Sử bị thương Mị mới được người nhà thống lí cởi trói để đi hái thuốc cho chồng.

Diễn biền tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân khiến ta cảm nhận được một điều rằng. Tâm hồn chai sạn của Mị bỗng dưng thức tỉnh một sức sống mãnh liệt, tiềm ẩn đằng sau vẻ bề ngoài cam chịu, câm nín của Mị đã trỗi dậy mạnh mẽ khi gặp điều kiện thuận lợi. Nhưng nó đã bị vùi dập một cách phũ phàng bởi hành động tàn ác, lạnh lùng của A Sử.

Tiếp đó , Tô Hoài đã dẫn dắt người đọc đi tới những diễn biến tâm lí của Mị trong đêm mùa đông trên núi cao dài và đượm buồn. Mùa đông đến, Mị thường có thói quen đến bên bếp lửa để sưởi lửa, hơ tay. Chứng tỏ người phụ nữ có vẻ bề ngoài nguội lạnh ấy luôn có nhu cầu tìm đến ánh sáng và hơi ấm. Đã mấy đêm, A Phủ bị trói ở gần bếp lửa nhưng Mị vẫn thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay. Có lẽ do chuyện có người bị đánh, bị trói đã là chuyện thường tình ở nhà Thống Lý, nó không hề gây cho Mị sự chú ý. Mặt khác, cảm xúc của Mị cũng đã chai lì, vô cảm vì quá đa khổ.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu

Đêm hôm đó cũng như mọi đêm trước, Mị vẫn ra bếp để hơ tay, sưởi lửa Nhưng khi ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ. Trước tình cảnh đó, Mị chợt nhớ lại cuộc sống của mình. Cô thấy đau xót cho chính bản thân mình. Trong trạng thái tỉnh táo, Mị đã có một nhận thức quan trọng về căn nguyên nỗi khổ của mình và những người cũng cảnh ngộ “chúng nó thật độc ác”.

Từ chỗ thương mình Mị đã chuyển sang thương cho A Phủ sẽ phải chết “chết đau, chết đói, chết rét”. So sánh mình với A Phủ Mị thấy anh có ít ràng buộc hơn, khác với cô “là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”, nếu A Phủ phải chết thì đó là một điều vô lí, bất công. Lòng thương người từ đây đã lớn dần lên trong Mị. Nghĩ đến chuyện phải chết thay A Phủ trên cái cọc kia Mị cũng không còn thấy sợ nữa rồi.

Sức sống mãnh liệt như bừng tỉnh một lần nữa với chi tiết Mị cởi trói giải thoát cho A Phủ. Cô rút con dao nhỏ, cắt nút dây mây cởi trói cho anh. Đây là một hành động dứt khoát đầy bất ngờ. Chứng tỏ lòng thương người, niềm ham sống thôi thúc Mị phải giành lấy sự sống kể cả không phải cho mình.

Đến khi A Phủ đi rồi, Mị đứng lặng trong bóng tối cô phải lựa chọn giưa hai con đường: ở lại hay đi. Trong khoảnh khắc đó, lòng ham sống như bừng lên mãnh liệt và đã đưa Mị đến quyết định bỏ chạy theo A Phủ. Quyết định cởi trói cho A Phủ và giải phóng đời mình của Mị thể hiện: tình yêu thương, sự đồng cảm, đấu tranh giai cấp bảo vệ lấy chính cuộc sống của mình.

Qua đó ta thấy, rõ ràng trong bất hạnh, người lao động vẫn luôn có một sức sống bền bỉ, một khát vọng hạnh phúc lớn lao. Chỉ cần có cơ hội thuận lợi thì sức sống đó, khát vọng đó lại trỗi dậy mạnh mẽ để chiến thắng cái ác, cái tàn bạo. Và rồi cuối cùng, khát vọng hạnh phúc đã chiến thắng con ác quỷ mang tên “giai cấp thống trị”.

Để xây dựng hình tượng nhân vật Mị gây nhiều ấn tượng trong lòng người đọc thì Tô Hoài đã phải thể hiện hết tài năng của một cây bút văn xuôi tâm lí. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân độc đáo vật kết hợp với nghệ thuật tạo tình huống truyện, miêu tả sinh hoạt, phong tục và tâm lí nhân vật. Từ đặc sắc nghệ thuật ấy, tác giả như muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp mang giá trị nhân đạo sâu sắc: lên án, tố cáo tội ác của giai cấp thống trị. Đồng thời đồng cảm với nỗi khổ nhọc của người dân lao động vùng núi Tây Bắc. Họ không chịu khuất phục trước cái ác mà quyết tâm đấu tranh để bảo vệ lấy khát vọng tự do.

Qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã khắc họa sinh động một bức tranh hiện thực về đời sống của đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc qua hình tượng nhân vật Mị. Đồng thời nhà văn nhấn mạnh rằng dân ta muốn tự do, muốn sống trong hạnh phúc thì có một con đường duy nhất – đó chính là vùng lên đấu tranh, giải phóng. Ta đều nhận thấy từ đêm tình mùa xuân đến đêm đông ở Hồng Ngài là một quá trình phát triển tâm lý, tính cách của Mị để quyết định giải phóng cuộc đời mình. Một tác phẩm giá trị như vậy, mỗi chúng ta cần phải ý thức được trách nhiệm của bạn thân làm sao để gìn giữ những tinh hoa văn hóa của dân tộc ta từ ngàn đời.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status