Tả phiên chợ quê em, bài văn mẫu miêu tả chợ nơi em ở

Cây đa, giếng nước, sân đình từ lâu đã trở thành những biểu tượng cố hữu mỗi khi ta nhớ về một làng quê thanh bình yên ả. Nhưng ở làng quê đó, còn có những phiên chợ quê đã in sâu vào tiềm thức của những con người chân quê. Một phiên chợ tết vui tươi nơi vùng quê nghèo của Đoàn Văn Cừ, một thời “níu váy bà đi chợ Bình Lâm” trong kí ức tuổi thơ của Nguyễn Duy, một phiên chợ tàn đã trở thành nỗi băn khoăn, day dứt của nhà văn Thạch Lam, … Sẽ rất nhiều điều thú vị khi chúng ta khám phá và tìm hiểu về những phiên chợ của quê hương mình. Mỗi miền quê sẽ có những nét đặc trưng thể hiện ở phiên chợ: về thời gian họp, về những đặc sản, về cách buôn bán và giao lưu, … Khi làm những bài văn miêu tả phiên chợ quê, các bạn cần chú ý đến không khí chợ, về con người và cảnh vật. Đặc biệt, chú ý vào những nét khác biệt cũng như những kỉ niệm và ấn tượng của bản thân mình để có thể tạo ấn tượng và dấu ấn riêng của mình. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 MIÊU TẢ CẢNH PHIÊN CHỢ QUÊ EM – CHỌ BÌNH LÂM

“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá  níu váy bà đi chợ Bình Lâm”

(trích “Đò Lèn)

Không biết từ bao giờ, những phiên chợ nơi những miền quê nghèo đã trở thành một phần của tuổi thơ Nguyễn Duy, là một mảnh kí ức trong tâm hồn những đứa trẻ nông thôn chúng tôi; cùng với cây đa, giếng nước, sân đình. Hằng tháng, tôi vẫn đến chợ chơi, để khởi đầu tuổi thơ của mình.

Nơi tôi lớn lên không phải nơi hiện đại hay giàu có, nhưng là một làng quê thanh bình và hạnh phúc. Những phiên chợ của làng ngày nào cũng diễn ra nhưng chủ yếu để phục vụ nhu cầu hằng ngày của người làng. Và hằng tháng, phiên chợ lớn của vùng được diễn ra một lần, và là niềm vui của bất cứ người dân hay đứa trẻ nào.

Ngày mười rằm hàng tháng, phiên chợ quê đã nhộn nhịp và rất náo nhiệt. Trên những con đường làng, thường ngày vẫn đông vui nhưng hôm nay phải gọi là tấp nập. Các bà các mẹ đi thành từng nhóm, mỗi người tay đều xách theo một chiếc làn hay chiếc giỏ, hớn hở, vui vẻ đi mua đồ. Những người đàn ông, có người cõng con đi nữa, xem có thể có món gì đặc biệt có thể mang về hay không. Những ánh nắng vào những buổi hè có vẻ cũng không gắt lắm, chỉ là đang thể hiện đúng tâm trạng của con người mà thôi.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 6: Thứ tự kể trong văn tự sự

Vào trong chợ, những gian hàng đông đúc, không khí đang nóng dần lên và đầy hứng khởi. Ở phía đầu chợ là những bà hàng rau đang bận rộn với những bác vừa chọn lại vừa trả giá. Những bó rau muống, rau mùng tơi ngọn xanh rờn bên những bông hoa cải vàng tươi thơm ngon. Bước tiếp vào trong là gian hàng của những bác, những chị đang mời chào hoa quả. Họ nói chuyện vui vẻ với nhau, còn khi có khách lại nhiệt tình hỏi thăm, giới thiệu. Những quả dưa hấu vừa to vừa thơm ngon cho một mùa hè không mấy dễ chịu, những trái dứa đã được gọt sẵn để mời chào, rồi nào là vàng của những quả xoài, nâu của những quả hồng xiêm, … và cả mùi thơm phức của những quả mít nữa. Những loại quả bổ ích cho mọi người, và còn thích hợp cho cả ngày mười rằm dâng lên tổ tiên nữa. Xa kia là những khóm cúc, những đóa hoa xinh đẹp như mời gọi mọi người tới thưởng thức. Những người đàn ông đang chăm chú xem những chiếc liềm, dao, búa, … từ một căn xưởng rèn đúc nhỏ đang hồng lửa với tiếng rèn rất chăm chỉ. Trong khi đó, một số người lại tìm cho mình những chú gà thích hợp để có thể đem lại chút gì đó cho gia đình.

Lũ trẻ chúng tôi chẳng đến đây để mua bán gì cả. Nếu có chỉ là một vài cây kẹo kéo của ông cụ làm kẹo tuyệt đỉnh nhất thế giới ở giữa chợ. Chúng tôi kéo nhau đi, xem xung quanh từng chú gà, ngạc nhiên với màu hồng kì diệu của lửa mà có thể tạo ra những thứ cứng như vậy. Một vài đứa chạy nhau đuổi quanh chợ, trong lời càu nhàu của người lớn. Tiếng khóc thỉnh thoảng vang lên của những đứa bé vì không được bố mẹ mua kẹo hay áo mới cho đã không còn xa lạ. Người nói, người làu bàu, người cười, đứa khóc làm cho chợ thật vui vẻ, não nhiệt.

Những phiên chợ như thế tháng nào cũng diễn ra nhưng mỗi lần đi chợ tôi lại như đứa trẻ mới đi lần đầu. Bao háo hức và mong chờ, những cảm giác đôi khi một cuộc sống hiện đại không thể nào cho được.

Xem thêm:  Bình luận chứng minh câu nói Bàn tay ta làm nên tất cả Có sức người sỏi đá cũng thành cơm - Văn mẫu lớp 8

Đoàn Hương – Vietvanhoctro.com

Phiên chợ quê thường được họp theo phiên theo lịch âm lịch của mỗi tháng tùy vào quy định từng chợ, tại đây bày bán đủ các loại mặt hàng thiết yếu cho mọi người dân trong vùng

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 MIÊU TẢ PHIÊN CHỢ QUÊ EM LỚP 6

“Quê hương” hai tiếng giản dị mà thân thương biết mấy. Ai đã từng sống ở quê chắc hẳn đều ghi dấu trong tim mình những hình ảnh quen thuộc gắn bó với làng quê yêu dấu. Và đối với em, sau này dù có đi đâu xa, em cũng sẽ không quên được hình ảnh phiên chợ quê em.

Trời tờ mờ sáng, mặt trời còn đang ngủ vùi trong chiếc chăn ấm áp. Những chú gà trống dậy sớm gáy vang gọi mọi người thức dậy để chuẩn bị cho một ngày mới. Trên cành cao, chim hót ríu rít như tấu lên khúc ca quê hương. Gió nhè nhẹ thổi làm những bông lúa thì con gái đung đưa như đang làm duyên. Con đường làng quen thuộc đã rộn rã những tiếng nói, tiếng cười của các bác nông dân ra đồng làm việc sớm, của các bà, các mẹ quẩy gánh hàng ra chợ.

Chợ quê em nằm ngay đầu làng, bên cạnh con sông quê bốn mùa yên ả, lặng tờ tuôn dài như một áng tóc trữ tình. Ngày nào chợ cũng họp từ sớm tinh mơ đến khi bóng mặt trời đã xế tà, nhưng phiên chợ chính thì chỉ có vào những ngày mồng năm, mùng mười, mười lăm và hai mươi hàng tháng. Vào phiên chợ chính, hàng hóa được bày bán ở đây rất đa dạng và phong phú. Tất cả những hàng hóa được bày bán ở đây đều mang đậm sắc hương thơm, mùi vị của hương đồng cỏ nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất. Nào là ngô, khoai, sắn, những con cá, con gà, con vịt được chăm sóc cẩn thận để mang ra chợ bán. Quầy hàng của bác Ba lúc nào cũng đông khách vì đây là nơi cung cấp thịt chủ yếu cho chợ. Thịt nhà bác không chỉ ngon mà còn hợp túi tiền của người dân.

Vào trong chợ có rất nhiều là những hàng bán đồ ăn sáng. Mùi bánh phở thơm phức với hương nước dùng nghi ngút, mùi thịt bò được chế biến toả ra thơm đặc trưng là đặc sản mà ai đến quê hương em cũng đều muốn thưởng thức. Bên cạnh hương nếp từ chõ đồ xôi bay thoang thoảng như lôi kéo mấy cô, mấy bà buôn hàng cá, hàng thịt ra từ buổi sớm chưa có gì lót dạ. Chợ bắt đầu đông và náo nhiệt, từ các xóm dưới nào rau, nào củ, nào quả… Nào là rau muống, bắp cải, súp lơ, đậu Hà Lan, những củ hành tây, cà rốt, những quả dưa chuột dài và to, các thứ hàng nằm trong mẹt, thúng được các bà buôn chuyển đi vào chợ. Người mua người bán đông dần. Những em bé với những bộ quần áo xanh, đỏ theo mẹ ra chợ. Em nào cũng nở nụ cười tươi trên khuôn mặt. Thấy phiên chợ đông đúc và có nhiều đồ đẹp, các em cứ chạy lung tung, hò hét thích thú. Đâu đây vang lên tiếng kì kèo mặc cả của người đi chợ. Có người rộng rãi, thấy ưng là lấy luôn.

Xem thêm:  Tả đêm trăng về trên quê hương em – Văn 6

Các bà, các mẹ, các chị đang lựa những thực phẩm tươi ngon nhất cho gia đình mình. Các em bé thì thích sa vào hàng bán bánh kẹo hay đồ ăn vặt. Nhìn các em bé, em lại nhớ lại mình ngày xưa, cứ mỗi lần đi chợ là phải bắt mẹ mua bằng được những chiếc quẩy tẩm đường ngọt lịm, để mỗi lần đọc sách là có đồ để nhâm nhi.

Chợ quê là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, là nơi lưu giữ những yên bình, mộc mạc của làng quê. Nhớ chợ quê, em nhớ một quê hương bình dị mà xiết bao thương mến.

Thanh Thủy – Vietvanhoctro.com

Nguồn Vietvanhoctro.com

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status