Thông qua một số tác phẩm văn học đã được học, anh chị hãy cảm nhận về số phận người nông dân trong 2 giai đoạn từ 1930-1945 và giai đoạn 1945-1975

Đề bài: Thông qua một số tác phẩm văn học đã được học, anh/chị hãy cảm nhận về số phận người nông dân trong 2 giai đoạn từ 1930-1945 và giai đoạn 1945-1975. Từ đó, anh/chị có nhận xét gì về mối quan hệ giữa cuộc sống, con người và văn học.

Bài làm

Cốt lõi làm nên một tác phẩm văn học ngoài những yếu tố cơ bản đòi hỏi nhà văn phải tìm kiếm được một nhân vật tiêu biểu làm nên tên tuổi của tác giả. Con người là đối tượng để văn học phản ánh và phục vụ, văn học phản chiếu toàn bộ hiện thực cuộc sống xung quanh nhân vật đó. Từ hiện thực khốc liệt cho đến những phẩm chất đáng quý, đáng được ngợi ca. Văn học đã tìm đến để cùng đồng cảm xót thương, trân trọng và ca ngợi họ. Và trong giai đoạn văn học 1930-1945, 1945-1975, ta dễ dàng tìm thấy qua các tác phẩm như là Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân) và Chí Phèo (Nam Cao)…

Con người là đối tượng quan trọng nhất trong cuộc sống. Cuộc sống, không có con người thì không khác gì là một mảnh đất bỏ hoang, mất đi cái phần hồn thiết yếu. Thế nên, từ đời sống thực cho đến đời sống trên trang giấy, hình ảnh không thể thiếu đó chính là con người. Hình tượng con người trong văn học đã làm rung cảm trái tim của biết bao nhiêu thế hệ, gợi lên sự xót thương, đồng cảm của những tâm hồn nhạy cảm, đồng điệu và tinh tế. Có người từng nói rằng: văn học và lịch sử có mối quan hệ mật thiết. Vì vậy mà mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, số phận người nông dân trong mỗi giai đoạn ấy cũng khác nhau. Tiêu biểu nhất trong giai đoạn 1930-1945 là nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, chị Dậu trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, chị em Liên trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Đến với giai đoạn 1945-1975, nổi bật nhất là Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, anh cu Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. Điểm chung của những nhân vật ấy đều là những người nông dân lương thiện, hiền lành bị chế độ xã hội lúc bấy giờ áp bức, dồn vào ngõ cụt. Tất cả, những người nông dân ấy đều rơi vào những bi kịch không mong muốn. Các tác phẩm ra đời, dùng nhân vật tiêu biểu đại diện cho một tầng lớp nông dân bị áp bức chính là để cho con người của thế hệ sau này nhìn lại quá khứ của những con ngườ trong những giai đoạn trước đây đã sống khốn khổ và cơ cực đến thé nào để từ đó ta lại càng thấy trân trọng cuộc sống hơn, yêu chuộng thời bình như hiện nay hơn.

so phan nguoi nong dan - Thông qua một số tác phẩm văn học đã được học, anh chị hãy cảm nhận về số phận người nông dân trong 2 giai đoạn từ 1930-1945 và giai đoạn 1945-1975

Bắt đầu nói đến con quỷ dữ của làng Vũ Đại mà nhà văn Nam Cao đã đặt bút viết. Chí Phèo ngay từ đầu không phải là một kẻ đầu đường xó chợ, cũng không có cái tên nghe chói tai như là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Anh vốn là một người nông dân bản tính hiền lành, lương thiện nhưng chế độ xã hội lúc bấy giờ quá đáng sợ, đã đẩy Chí vào con đường tội lỗi. Vì sự cám dỗ của bà Ba và sự ghen tuông vô cớ của bá Kiến đã đẩy Chí vào nhà tù thực dân – một lò luyện mà khi ai từ đó trở ra đều mất cả nhân hình lẫn nhân tính. Một tờ giấy trắng đã bị nhuốm màu, loang lổ những vết mực khó phai, nhưng bản chất nó vẫn là một tờ giấy trắng. Đó là một sự thật không thể chối bỏ, giấy trắng vẫn là giấy trắng, Chí Phèo vẫn là Chí Phèo, vẫn người nông dân có bản tính lương thiện. Số phận đã đẩy đưa như vậy, ngoài việc tìm đến rượu, chửi bới, nằm ăn vạ với cái nơi từng mang ơn dưỡng dục nuôi nấng thì Chí còn biết làm gì nữa. Không một ai hồi đáp lại những tiếng chửi chói tai, dường như xem anh là một người vô hình, không tồn tại. Có than trách số phận cũng không đổi lại được gì. Chính là kêu trời, trời không thấu, kêu đất, đất không dung. Cuộc sống ấy có phải khắc nghiệt quá rồi không? Chí Phèo đã làm gì nên tội? Đáng nói là hơn là khi Chí vừa thấy con đường mới tốt đẹp hơn cho cuộc sống sau này, lại một lần nữa bị dồn xuống tận cùng của bi kịch. Ai cũng từng nghĩ rằng, Nam Cao mang Thị Nở đến chính là để giải thoát “con quỷ dữ” khỏi Chí, nhưng không. Sự xuất hiện của bát cháo hành vừa là liều thuốc bổ vừa là liều thuốc độc. Thị Nở đã đến và khơi dậy cái bản tính lương thiện, làm cho Chí cảm nhận cuộc sống và khao khát được làm người lương thiện. Nam Cao để Thị Nở đến chính là một bước ngoặt để vực dậy, đẩy lùi mọi bản tính xấu xí của Chí để tôn vinh cái lòng hướng thiện của anh. Nhưng thương xót cũng phải tùy vào hoàn cảnh, lịch sử giai đoạn ấy đã chi phối ngòi bút của nhà văn, đã để Thị Nở đến cự tuyệt quyền làm người của Chí đẩy anh vào hố sâu của bi kich, không còn một lối thoát. “Ai cho tao lương thiện?”, một câu hỏi vừa như để hỏi vừa như để than trách rằng cuộc đời quá bất công với anh, muốn hoàn lương sống như trước đây cũng không thể. Bất kì ai nghe được câu hỏi ấy, tưởng tượng sự viêc diễn ra trước mắt đều dâng lên một nỗi chua xót, nghe sao mà đau lòng quá. Số phận của những người nông dân thời bấy giờ là thế đấy, sinh ra đã không nơi nương tựa lại bị bọn cường hào ác bá cậy quyền áp bức, dồn ép con người vào bước đường sinh tử. Nam Cao dường như dự đoán đượct ương lai, nếu không cải cách lại chế độ xã hội lúc ấy thì sẽ còn rất nhiều những thanh niên trai tráng như Chí Phèo phải ngồi tù và biến đổi cả nhân hình lẫn nhân tính, chưa hết, nhà văn còn dự tính vòng tuần hoàn này sẽ lặp lại một lần nữa, Chí Phèo con sẽ ra đời ở chi tiết “Thị nở nhìn nhanh xuống bụng… Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng bóng người lại qua”.

Xem thêm:  Chủ điểm: Tình cảm gia đình – Cảm thụ văn học lớp 4

Hay kể đến Mị, một cô con dâu nhà quan lớn nhưng sống còn thua xa con trâu, con ngựa trong chính căn nhà ấy. Ngay từ đầu trang viết, Tô Hoài đã cho nhân vật xuất hiện một cách độc đáo, gợi sự tò mò dẫn dắt người đọc vào hành trình khám phá cuộc đời, số phận của nhân vật. Đó là hình ảnh “cô gái ngồi quay sợi gai, bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”, mặt lúc nào cũng “buồn rười rượi”. Vì món nợ truyền kiếp của ba mẹ mà Mị bị bắt về nhà thống lí Pá Tra làm vợ A Sử. Mang tiếng là con dâu, nhưng thực chất là con dâu gạt nợ. Như cái phận là “dâu gạt nợ”, ngày ngày, Mị “lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Tuổi trẻ còn phơi phới, xuân xanh còn đầy nhưng lại không được thỏa mãn, Mị chỉ biết đắm mình trong công việc, quần quật xuống khi không có thời gian để nghỉ ngơi. Sống cũng không được mà chết cũng không xong. Mị từ lâu sống như người mất hồn, cam chịu, nhẫn nhịn nhưng đâu đó trong lòng cô vẫn sống dậy một nỗi khao khát mãnh liệt. Mị muốn được sống. Mị muốn được tự do. Điều ước của Mị cũng là của chung cho tất cả những người con gái cùng chung hoàn cảnh. Nhưng may mắn hơn Chí Phèo, cuộc đời của Mị được cứu thoát bởi chính sự vùng dậy, khao khát sống mạnh mẽ trỗi dậy. Lựa chọn việc cứu thoát và cùng bỏ trốn với A Phủ, cuộc đời Mị đã trở nên tươi sáng hơn vì cô đã đi đúng đường, Phiềng Sa – một nơi vẽ lên một cuộc đời rất khác của Mị.

Chế độ xã hội lúc bây giờ quá khắc nghiệt, bọn cường quyền cậy thế ức hiếp dân lành. Điển hình là hai hoàn cảnh, hai số phận của Chí và Mị. Cả hai đều là nhân vật đại diện cho những kiếp người lầm than, khốn khổ, bị đẩy vào bước đường cùng không chốn dung thân. Người không ra người, ma không ra ma, sống như đã chết. Một con người bị tha hóa mất hết nhân tính, một người bị giam cầm mất hết cả sức sống vốn có. Tất cả đều là do chế độ xã hội lúc bấy giờ đã dùng cường quyền đẩy người nông dân vào bước đường tha hóa. Số phận con người cũng vì vậy mà thay đổi, đa phần đều đi theo chiều hướng tiêu cực.

Lại kể đến nạn đói năm 1945 đã giết chết biết bao nhiêu người, ” người chết như ngả rạ”. “Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, “ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường” đã miêu tả được quang cảnh nơi đây, cái đói tràn đến, ùa nhanh đến không kịp đỡ. Vào thời điểm này con người chỉ muốn có đủ cơm no để sống qua ngày, khát vọng về tình thương, về một gia đình hạnh phúc cũng là một điều quá xa vời. Thế mà điều ấy lại đến với Tràng, ngay lúc thời buổi khó khăn thế này, thân mình còn lo chưa xong, anh lại “nhặt” Thị về làm vợ. Chỉ bằng mấy lời nói bông đùa mà một người dở hơi, xấu xí lại còn nghèo như anh đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, điều mà anh luôn khao khát bấy lâu nay. Người xưa thường có câu “trong cái rủi có cái may”, hoàn cảnh của Tràng bây giờ thì ngược lại “trong cái may lại ẩn chứa lắm những điều rủi ro”. Cái đói cái khổ bao trùm khắp nơi, khối nhà còn không có gì để ăn, ngay cả Tràng thân mình còn nuôi không nổi lại rước thêm một người, một miệng ăn, biết có “nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không nữa?”. Gánh nặng đè nặng lên đôi vai người con, hiểu được nhiều lẽ đời trong cuộc sống, bà cụ Tứ chẳng những không trách mắng mà còn lại động viên an ủi, niềm nở chào đón nàng dâu bằng một nồi “chè khoán” đầy tình thương. Điểm tạo mấu chốt, để lại dấu ấn cho tác phẩm ngoài việc Tràng nhặt vợ còn đọng lại ở nồi chè khoán của bà cụ Tứ. Một minh chứng cho thấy rằng nạn đói năm ấy tàn khốc đến mức khiến con người phải ăn cháo cám để sống qua ngày, không những vậy có khối nhà còn không có để mà ăn. Kim Lân đã thành công khi tái hiện thật đầy đủ về nạn đói năm ấy, dường như đã gợi lên được nhiều xúc cảm trong lòng người đọc. Chắc có lẽ cũng có người sẽ thấy thương, thấy tội cho những con người sống vào năm khó khăn ấy.

Xem thêm:  Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình qua bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin

Sống trong cái nghèo, cái khổ khát vọng duy nhất là mong muốn được đổi đời, hi vọng sẽ có một thứ ánh sáng màu nhiệm soi rọi vào cuộc đời tăm tối của mình. Đó là khát vọng của chị em Liên – nhân vật trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Hai con người bé nhỏ ấy có những hoài bão ước mơ về một Hà Nội nhộn nhịp, xa hoa. Những con người phố huyện, mẹ con chị Tí, bác Siêu, gia đình bác Xẩm, cụ Thi và hai chị em Liên ngày ngày đều sống trong sự tăm tối, phố huyện nơi họ ở nghèo đến xơ xác. Thứ duy nhất họ tâm niệm, ước mong là một thứ ánh sáng vĩnh hằng, soi rọi để thay đổi cuộc đời tăm tối của họ. Đặc điểm nổi bật của Thạch Lam trong tác phẩm chính là tạo nên sự đối lập giữa ánh sáng của đoàn tàu về đêm và bóng tối bao trùm khắp phố huyện. Tạo nên một mảng đối lập, sự thật ánh sáng của đoàn tàu rực rỡ nhưng cũng chỉ vụt qua rồi biến mất. Ánh sáng của đoàn tàu chính là thứ án hsáng màu nhiệm soi rọi vào cuộc đời tăm tối của họ, nhưng rồi nó cũng vụt tắt, chứng minh được rằng ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng chỉ là một ước mơ xa vời.

Còn rất nhiều biến cố xảy ra trong cuộc đời của những người nông dân trong cả hai giai đoạn ấy. Số phận của họ đã được sắp đặt từ trước, có chạy trời cũng không khỏi nắng. Sống ở thời điểm bây giờ, nhìn về quá khứ lại thấy xót thấy thương biết bao, chính mình phần nào cũng thấu hiểu cho những hoàn cảnh bất hạnh ấy. Chưa chắc gì nếu chúng ta là họ, chúng ta lại có thể kiên cường, mạnh mẽ sống và nuôi khát vọng như thế. May mắn hơn đã có những con người, sống đời sống của nhân vật để thấu hiểu tường tận mọi cung bậc cảm xúc, hỉ nộ ái ố để thuật lại, thể hiện một cách rõ ràng để ngày nay có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử đời sống con người ngày xưa. Thạch Lam, Kim Lân, Tô Hoài và Nam Cao ngoài ra còn rất nhiều nhà văn khác đã tìm thấy tái hiện lại hiện thực, thể hiện sự đồng cảm, xót thương, ngợi ca trân trọng những người nông dân ấy. Giá trị nhân đạo trong tác phẩm chính là được thể hiện qua những điều đó. Biểu hiện của giá trị nhân đạo còn được thể hiện ở cái kết của tác phẩm. Điểm khác biệt của các tác phẩm ở hai giai đoạn chính là lúc kết thúc, cách xử lí bi kịch mà tác giả dành cho nhân vật của mình. Như đã nói, văn học gắn liền với lịch sử, thế nên hoàn cảnh xã hội bấy giờ thế nào thì cũng tái hiện trong văn học như vậy. Giai đoạn trước cách mạng tháng Tám, bi kịch con người còn chưa có hướng xử lí tốt hơn, ngoài việc tìm đến cái chết hay buồn bã, chịu đựng thì không thể làm gì khác. Nhưng từ sau cách mạng tháng Tám, đã có “mặt trời chân lí”, ánh sáng cách mạng soi đường dẫn dắt và giúp con người giải quyết bi kịch một cách tốt đẹp hơn, cuộc sống về sau cũng hạnh phúc hơn. Chính vì nhìn ra điều đó mà các tác giả như Tô Hoài, Kim Lân đã tạo cho nhân vật mình một hướng đi tốt hơn, cách để thoát khỏi bi kịch của cuộc sống. So với thời kỳ trước cách mạng tháng tám con người đều bị dồn vào đường cùng phải tìm đến cái chết để kết thúc bi kịch của cuộc đời mình, thì giai đoạn sau con người thường có cái kết viên mãn hơn.

Xem thêm:  Bài văn tả cây hoa hồng nhung lớp 4

Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Cuộc sống chính là mảnh đất màu mỡ để cho văn học khám phá và khai thác. Văn học cũng giống như những con ong đi tìm mật ở những nhụy hoa mà con người lại chính là những bông hoa rực rỡ hương sắc ấy. Dù cho số phận đã định đoạt cuộc sống của họ đầy những đau thương thương mất mát hay phải rơi vào rơi vào bi kịch không lối thoát thì ở họ vẫn toát lên được những phẩm chất đáng quý đáng trân trọng. Điển hình như Chí Phèo có là con quỷ dữ của làng Vũ Đại nhưng trong anh vẫn còn bản chất lương thiện chỉ vì đời sống xã hội bây giờ quá khắt khe nên con đường hoàn lương của anh dường như không thể thực hiện được. Dù vậy cũng không thể chối bỏ được bản chất của Chí vẫn là một người nông dân hiền lành lương thiện. Văn học và con người dường như là một vòng tuần hoàn, văn học viết về con người và sau đó quay lại phục vụ cho con người. Văn học đã hoàn thành nhiệm vụ của mình tái hiện lại hiện thực cuộc sống, đồng thời nâng cao được phẩm chất đáng quý và thể hiện chân thực nhất bi kịch của con người. Không chỉ là người nông dân mà còn có người nông dân tri thức, người phụ nữ trong xã hội phong kiến…. Văn học đã tìm đến những số phận ấy để đồng cảm và thay những con người ấy lên tiếng, bộc bạch những nỗi tâm sự, tố cáo tội ác của bọn cường hào ác bá. Có thể nói văn học và con người có mối quan hệ mật thiết và không thể thiếu.

Nói tóm lại, đọc những tác phẩm trên ta phần nào hiểu được số phận, hoàn cảnh khắc nghiệt, khốn khó người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ. Dù hoàn cảnh, số phận có đáng thương đến thế cũng không thể khuất lấp hết những phẩm chất cao đẹp của họ. Để có thể thấu hiểu, bày tỏ sự đồng cảm, xót thương chúng ta phải đọc và tìm hiểu về nhân vật ấy một cách chi tiết để nhìn thấy được quá khứ của một tầng lớp nông dân thời xưa, những mặt tốt đẹp đã bị khuất lấp đằng sau những điều bất hạnh đau thương. Để từ đó chúng ta càng trân trọng, ngợi ca những phẩm chất đáng tốt đẹp của họ.

Trần Ngọc My

Bình Thới F14 Q11 TPHCM

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status