Thuyết minh về bánh chưng ngày tết lớp 9

Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, là cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới. Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày trọng đại, đặc biệt là ngày Tết. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh giầy. Trong chương trình ngữ văn lớp 9 ta sẽ bắt gặp dạng bài Thuyết minh về bánh chưng. Khi làm bài văn này, các bạn cần thuyết minh được hình dáng, nguyên liệu, cách gói bánh và ý nghĩa của chiếc bánh chưng trong đời sống tinh thần Việt Nam. Dưới đây là hai bài văn mẫu thuyết minh về chiếc bánh chưng để các bạn hoàn thành bài tập thật tốt.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 THUYẾT MINH VỀ CHIẾC BÁNH CHƯNG.

  • “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
  • Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Bánh chưng là biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Từ xa xưa đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại chuẩn về những nồi bánh chưng rất to để đón Tết. Bởi trong tâm thức của mỗi người thì bánh chưng là món ăn mang ý nghĩa sum vầy, ý nghĩa đoàn viên bình dị nhưng ấm áp.

Bánh chưng có nguồn gốc từ lâu đời. Đặc biệt nó gắn với truyền thuyết Bánh chưng bánh dày trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Việt Nam ta. Theo truyền thuyết, đời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu xuân, vua họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Riêng người con trai thứ 18 của Hùng Vương là Lang Liêu (tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho) rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình trời và đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình cha mẹ sinh thành.” Lang Liêu vô cùng mừng rỡ và làm theo lời Thần dặn. Ông chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng trưng cho đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là bánh chưng. Ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng trưng cho trời, gọi là bánh dàỵ. Lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon và có ý nghĩa, bèn truyền ngôi vua lại cho Lang Liêu. Kể từ đó, mỗi dịp đến Tết cổ truyền, thì dân chúng đều làm bánh chưng và bánh dày để dâng cúng tổ tiên, trời đất.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về tình yêu của giới trẻ hiện nay

Bánh chưng có hình vuông, dài từ 15 đến 16 cm, độ dày từ 5 đến 6 cm được gói bằng lá dong. Về nguyên liệu, bánh chưng được làm từ những thứ rất đơn giản và dễ chuẩn bị, kết hợp với bàn tay khéo léo của người gói bánh. Nguyên liệu chủ yếu là nếp, lá dong, thịt, đậu xanh giã nhỏ. Mỗi nguyên liệu đều được chọn lọc thật kĩ để có thể tạo nên món ăn ngon và đậm đà nhất. Lá dong cần có màu xanh đậm, có gân chắc, không bị héo và rách nát. Hoặc nếu những chiếc lá bị rách người ta có thể lót bên trong chiếc lá lành để gói. Nên chọn lá dong bản to, tốt nhất là chọn lá dong bánh tẻ không già không non thì bánh gói ra sẽ có màu xanh đặc trưng và lá không bị dính vào mặt bánh. Khâu rửa lá dong, cắt phần cuống đi cũng rất quan trọng vì lá dong sạch mới đảm bảo vệ sinh cũng như tạo mùi thơm sau khi nấu bánh. Sau đó là công đoạn gấp lá. Gấp lá dọc đường phân giữa sau đó gấp đôi theo chiều ngang để tạo góc vuông, làm cho chiếc bánh được vuông vức. Về phần nếp thì người ta chọn những hạt tròn lẳn, không bị mốc để khi nấu lên ngửi thấy mùi thơm lừng của nếp. Người ta thường chọn nếp cái hoa vàng để bánh vừa dẻo, vừa thơm. Gạo ngâm kĩ trong nước rồi vo sạch để ráo nước. Trước khi gói có thể rắc thêm một ít muối để gạo trắng và bánh thêm phần đậm đà. Đậu xanh chọn loại đậu có màu vàng đẹp, nấu nhừ lên và giã nhuyễn làm nhân. Tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi người có thể cho thêm đường để tạo độ ngọt mà người ta vẫn thường gọi là “bánh chưng đường”. Thịt được gói bên trong thường là thịt ba chỉ vì có cả bì, mỡ và nạc thể hiện cho sự đủ đầy, trộn với tiêu xay, hành băm nhuyễn.

Sau khi đã chuẩn bị tất cả các nguyên vật liệu thì đến khâu gói bánh. Gói bánh chưng cần sự tẩn mẩn, tỉ mỉ và khéo léo để tạo nên chiếc bánh vuông vắn cúng viếng ông bà tổ tiên. Nhiều người cần phải có khuôn vuông để gói nhưng nhiều người thì không cần, chỉ cần gấp 4 góc của chiếc lá dong lại là có thể gói được. Bao bọc xung quanh nhân đậu và thịt là một lớp nếp dày. Chuẩn bị dây để gói, giữ cho phần ruột được chắc, không bị nhão ra trong quá trình nấu bánh. Tuy nhiên, khi gói không nên ấn quá chặt vì lúc luộc, gạo nở ra sẽ làm vỡ bánh.

Công đoạn nấu bánh được xem là khâu quan trọng. Thông thường mọi người nấu bánh bằng củi khô, nấu trong một nồi to, xếp một ít cuống rong ở đáy nồi đổ đầy nước và nấu trong khoảng từ 8-12 tiếng. Thời gian nấu lâu như thế là vì để đảm bảo bánh chín đều và dẻo. Khi nước bánh sôi, mùi bánh chưng bốc lên nghi ngút. Lúc đó mọi người bắt đầu cảm nhận được không khí Tết đang bao trùm lấy căn nhà.

Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa qua nước sạch, sau đó xếp bánh nằm ngang trên mặt phẳng, tìm một tấm gỗ đặt lên trên mặt bánh để chất dẻo lâu hơn và giúp bánh lâu hỏng hơn.

Xem thêm:  Nghị luận "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” - Văn NLXH lớp 9

Bánh chưng là bánh truyền thống giàu ý nghĩa của dân tộc ta. Bánh có hình vuông tượng trưng cho đất mẹ yêu dấu. Nhân được làm từ hành, thịt, đỗ là biểu tượng cho cây cỏ, muông thú. Lá bên ngoài và dây lạt buộc kín như một sự đùm bọc, yêu thương và che chở lẫn nhau. Bánh chưng là vật phẩm do người nông dân làm ra để cúng ông bà Tổ tiên, tỏ lòng thành kính biết ơn của con cháu gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Trong mỗi gia đình người Việt Nam ta, mỗi khi Tết đến xuân về, trên bàn thờ gia tiên, bên cạnh mâm cơm đều có cặp bánh chưng xanh. Thật đúng đắn làm sao khi nói “Thiếu bánh chưng là thiếu Tết”. Ngoài giá trị về mặt tinh thần, bánh chưng còn có hàm lượng dinh dưỡng cao và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nồi bánh chưng bốc lên nghi ngút khói chính là báo hiệu cho sự ấm áp của gia đình. Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Vì đây là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam, cần gìn giữ và tôn trọng từ quá khứ, hôm nay và cả ngày mai nữa.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 THUYẾT MINH VỀ BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT

Nếu như Hàn Quốc có kim chi và canh rong biển, Nhật Bản có cơm shushi thì Việt Nam lại nền nã y như nó vốn có với món bánh chưng truyền thống.

Mỗi loài hoa sẽ có một hương thơm riêng, mỗi dân tộc sẽ có một bản sắc văn hóa và phong tục tập quán đặc trưng không trộn lẫn. Một trong những yếu tố tạo nên Văn hóa bản sắc dân tộc là văn hóa ẩm thực. Vâng, và chúng ta đang nói đến dân tộc Việt Nam dịu dàng và duyên dáng với chiếc áo dài duyên dáng, dưới chiếc nón lá xinh xinh và du dương trong những câu quan họ ngọt ngào nồng đượm. Chắc có lẽ bởi thế mà bánh chưng- một món ăn giản dị đã trở thành món ăn truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay.

Truyền thuyết kể rằng, vào thời vua hùng thứ sáu, nhà vua đã già và muốn truyền ngôi cho con nhưng chưa biết chọn ai trong số những người con trai của mình. Bởi thế, vua Hùng bèn gọi các con lại và nói rằng nếu ai tìm được món ăn ngon nhất để cúng Tiên Vương thì sẽ được nối ngôi. Các Lang nghe vua cha nói vậy, bèn kẻ lên rừng, người xuống bể tìm của ngon vật lạ, sơn hào hải vị để mang về cúng Tiên vương. Người con thứ mười tám của nhà vua là Lang Liêu, mẹ chàng bị vua cha ghẻ lạnh đâm sinh bệnh rồi chết. Từ nhỏ, chàng đã sống ở ngoài cung vua, hòa nhịp với cuộc sống của nhân dân lao động. Chàng vốn tính tình thuần hậu, chí hiếu nhưng lực bất tòng tâm, không biết kiếm của ngon vật lạ ở đâu để dâng lễ Tiên Vương. Vào đêm trước ngày tế lễ, chàng nằm mộng thấy có người chỉ rằng:” Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống con người. nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Lang Liêu tỉnh giấc, bèn làm theo lời thần dặn làm bánh cúng Tiên Vương và được vua hùng truyền ngôi cho. Từ đó, bánh chưng trở thành một vật không thể thiếu trong mỗi dịp lễ tết trong dân gian Việt Nam.

Xem thêm:  Dàn ý nghị luận về bệnh thành tích trong học tập giáo dục xã hội

Bánh chưng hình vuông, được gói bằng lá rong màu xanh rất đẹp mắt. Đó là một món ăn giản dị xuất phát từ một nền văn minh lúa nước. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp, đỗ xanh, hành củ, hạt tiêu và thịt lợn. Gạo càng ngon thì bánh sẽ càng dẻo. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ. Thịt quá nạc bánh sẽ bị khô và ngược lại thịt quá mỡ sẽ khiến cho bánh ăn bị ngấy, mau chán Khi gói bánh, sau một lớp gạo lè đến một lớp đỗ, nhân là thịt lợn và hành được cho ở giữa rồi tiếp tục đến một lớp đỗ, rồi một lớp gạo. Lá dong là lá được dùng để gói bánh chưng vì có màu xanh rất đẹp và dịu, lại không làm mất đi hương vị của bánh. Khi gói phải gói thật kín, để khi luộc nước  không thể vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chặt, chắc nhưng phải khéo. Gói lỏng tay, bánh không ngon. Song nếu quá chắc, bánh cũng không ngon.

Độc đáo nhất là, bánh chưng được nấu trong thời gian dài, 8-10 tiếng đồng hồ. phải để lửa vừa phải, không to quá và cũng không bé quá. Tuy gọi là luộc bánh chưng nhưng nước không trực tiếp tiếp xúc với nguyên liệu được luộc (gạo nếp, đỗ, thịt lợn,…) nên là hình thức hấp hay chưng giúp giữa nguyên được vị ngon của gạo đỗ và thịt. Chắc có lẽ vì cách chế biến ấy mà người ta mới gọi thứ món ăn bổ dưỡng ấy là bánh chưng. Thời gian luộc bánh lâu nên các hạt gạo mềm ra như quyện vào nhau, không giống như khi đồ xôi. Khi hạt gạo nhừ mà quyện vào nhau như thế người ta gọi là bánh chưng “rề”, tức là bánh chưng đó đã đạt đến độ quyện dẻo như ý, là bánh ngon. Cũng nhờ đặc điểm thời gian làm chín bánh lâu, lại trong nước sôi nên nhân bánh là đỗ hay thịt có đủ thời gian để nhừ ra, hòa quyện đan cài các hương vị vào với nhau tạo nên một món ăn hoàn chỉnh nhất. Đó phải chăng cũng là quan niệm sống hòa đồng, hòa quyện, cởi mở của dân tộc ta?

Chế biến bánh chưng không khó nhưng cần công phu tỉ mỉ và bàn tay khéo léo. Đó cũng chính là những đức tính cao đẹp của con người Việt Nam.

Nguồn Internet

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
DMCA.com Protection Status